Đại diện BSA bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA và đại diện quỹ ASIF ông Đoàn Đình Mạnh Toàn, Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành Quỹ ASIF ký biên bản ghi nhớ(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 25/3, tại Hội trường Thống Nhất, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức hội thảo “Bức tranh kinh tế Việt Nam 2025 và những chính sách kinh tế cần quan tâm”, trong khuôn khổ Lễ công bố và vinh danh doanh nghiệp đạt chứng nhận HVNCLC 2025 do người tiêu dùng (NTD) bình chọn.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCL cho biết trong suốt 29 năm, đúng như tên gọi Chương trình HVNCLC do NTD bình chọn, toàn bộ hoạt động dựa trên 2 từ khóa “Hàng chất lượng cao” và “Người tiêu dùng”.
Cũng theo bà Vũ Kim Hạnh, với từ khóa “bền bỉ”, cho đến nay đã có 5 chương trình được thực hiện bền bỉ từ đầu tới giờ đó là: Chương trình HVNCLC do NTD bình chọn 29 năm; HVNCLC - chuẩn hội nhập 9 năm; Chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp 12 năm; Mekong Connect 10 năm. Từ năm nay khởi động hai chương trình mới tạo giá trị xã hội đó là “Thiện nguyện bền vững” và “Thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc”. Đây là hai chương trình để thực hiện chữ S (Social - xã hội) trong ESG (Environment: Môi trường; Social: Xã hội; Governance: Quản trị), trong thời kỳ mới của thời kỳ mới.
Đánh giá các doanh nghiệp đang đối mặt với một bối cảnh khó khăn chưa từng thấy, bà Vũ Kim Hạnh cho biết, năm nay Hội sẽ tăng cường cung cấp thông tin thị trường, tăng cường hiểu biết, để Hội Doanh nghiệp HVNCLC cùng các hội khác để khuyến nghị chính sách. Hội cũng sẽ tạo không gian gắn kết hơn giữa các nhóm trong LBC (Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu).
“Kinh nghiệm của 29 năm hoạt động chúng tôi thấy tình hình càng khó, doanh nghiệp càng gắn kết chặt chẽ. Chúng tôi cam kết cùng doanh nghiệp, đi cùng nhau, lấy đoàn kết là sức mạnh, cùng nhau đi xa trên con đường mà ban chấp hành đã nhận định là khó nhất từ trước đến nay” - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC Vũ Kim Hạnh nói.
Tham luận tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin về những chính sách lớn như Nghị quyết 57, Nghị quyết 193, Nghị quyết về kinh tế tư nhân (chuẩn bị ra đời) đang định hình lại cách tiếp cận phát triển kinh tế, tập trung vào khoa học công nghệ và doanh nghiệp tư nhân.
Nghị quyết 25 của Chính phủ giao nhiệm vụ cho các địa phương về tăng trưởng kinh tế, đặt ra áp lực lớn. Việt Nam không chỉ hướng tới mức tăng trưởng 8% mà còn đặt mục tiêu hai con số trong những năm tới. Đây là áp lực lớn nhưng cũng cơ hội để đất nước bứt phá mạnh mẽ hơn.
Ông Đậu Anh Tuấn đánh giá, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cải cách mạnh mẽ, từ chính sách kinh tế, khoa học công nghệ đến quản trị doanh nghiệp. Những nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 57, 193 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Những chính sách lớn này có thể tạo ra những thay đổi bước ngoặt, tạo ra áp lực những cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt khi kinh tế tư nhân được đặt vào vị trí trung tâm thậm chí có thể là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp được trao chứng nhận HVNCLC chuẩn Hội nhậpVề khoa học công nghệ, trước đây, khoa học và công nghệ chỉ được xem là công cụ hỗ trợ phát triển kinh tế, nhưng Nghị quyết 57 (Nghị quyết của Bộ Chính trị về khoa học và công nghệ) đã nâng tầm thành động lực then chốt. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, khoa học công nghệ sẽ đóng góp quan trọng vào GDP và đến năm 2045, nước ta sẽ nằm trong nhóm 30 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trên thế giới. Sau Nghị quyết 57, Nghị quyết 193 (thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia) của Quốc hội tạo ra bước tiến quan trọng khi chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Về kinh tế tư nhân, ông Đậu Anh Tuấn đánh giá dù có nhiều chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam vẫn gặp nhiều hạn chế như quy mô nhỏ, thiếu sự liên kết và sức cạnh tranh yếu. Nghị quyết mới (sắp ra đời) được kỳ vọng sẽ khắc phục những điểm yếu này bằng loạt giải pháp mạnh mẽ. Đặc biệt, có thể có những chiến lược riêng cho doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, cũng như có chính sách để thúc đẩy 5 triệu hộ kinh doanh tiến lên thành lập doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ hội thảo, ban tổ chức trao chứng nhận HVNCLC chuẩn Hội nhập cho 8 doanh nghiệp và diễn ra lễ Ký MOU giữa Trung tâm BSA và Quỹ ASIF để thúc đẩy hoạt động thiện nguyện bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp.