Thứ Năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024

Bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ nhất

Mô hình trồng vườn hoa trên địa bàn huyện Củ Chi góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 23/8, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường TP và Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP tổ chức hội nghị chuyên đề: Giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn 2023 - 2025.

Tham dự có Trưởng Ban Công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Võ Văn Thiện; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Trần Kim Yến.

Chuyển hóa được 198 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng

Báo cáo đề dẫn tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP cho biết, thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức thành viên các cấp đã có nhiều giải pháp trong thực hiện và đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo đó, toàn TP đã có 312/312 phường - xã - thị trấn đã tổ chức đối thoại với Nhân dân, đạt tỷ lệ 100%; vận động hộ dân ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch.

Bên cạnh đó, đã vận động các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện việc cam kết không xả rác ra đường, giữ gìn vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị đạt tỷ lệ 98,21%; đã tiếp nhận và giải quyết 99% ý kiến phản ánh người dân liên quan đến lĩnh vực môi trường và trật tự đô thị.

Từ năm 2021 đến tháng 5/2023, TP đã rà soát, ghi nhận phát sinh 568 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, giải tỏa 505 điểm, đạt tỷ lệ 98,12%, trong đó chuyển hóa được 198 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng. Từ khi triển khai cuộc vận động đến nay, có 7.534 phương tiện, trong đó 4.191 phương tiện đạt chuẩn, tỷ lệ 55,63% và 3.343 phương tiện không đạt chuẩn, tỷ lệ 44,37%. Tính đến ngày 31/5/2023, Quỹ Bảo vệ Môi trường duyệt vay 107 dự án, với hơn 118,1 tỷ đồng; giải ngân 93/107 dự án, với hơn 105,5 tỷ đồng.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường”, phong trào chống rác thải nhựa và xây dựng khu dân cư sạch - đẹp trong thời gian qua, TP đã đạt được một số kết quả nhất định, nhận được sự đồng thuận trong các giới, tầng lớp nhân dân, cơ sở tôn giáo trên địa bàn, góp phần từng bước thay đổi hành vi, thói quen, ý thức bảo vệ môi trường, tỷ lệ hộ dân tham gia phân loại chất thải rắn tại nguồn ngày càng tốt hơn, giảm đáng kể tình trạng xả rác ra đường phố, nơi công cộng và hình thành nhiều công trình sạch, xanh, thân thiện môi trường hơn.

Nhân rộng, lan tỏa các mô hình, giải pháp sáng tạo

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, cuộc vận động cần đổi mới nội dung, phương thức, giải pháp tuyên truyền vận động, tập hợp đông đảo Nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào tại cơ sở; phát huy vai trò người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo, người tiêu biểu ở cơ sở và khu dân cư trong tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường tại địa phương.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường bằng cách đổi mới sáng tạo công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, có tính nhân rộng nhanh và hiệu quả trên cơ sở nền tảng phát huy tối đa vai trò của Nhân dân, để Nhân dân tham gia trực tiếp vào các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh khuôn viên nơi mình ở, tạo môi trường xanh, sạch, thân thiện; chủ động và kịp thời phản ánh các hành vi vứt, thải bỏ chất thải không đúng nơi quy định.

Quang cảnh hội nghị. Quang cảnh hội nghị.

Đồng thời, tiếp tục phổ biến, nhân rộng, lan tỏa các công trình, mô hình, giải pháp sáng tạo có hiệu quả và các gương điển hình trong việc thực hiện Cuộc vận động. Nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý các điểm rác phát sinh, tái phát sinh; số hóa dữ liệu mạng lưới thu gom rác nhằm từng bước xây dựng và tạo lập dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu mạng lưới thu gom rác trên địa bàn TPHCM, đảm bảo triển khai áp dụng đồng nhất các thông tin về số liệu rác thải của chủ nguồn thải và mạng lưới thu gom rác công lập và dân lập, tạo điều kiện quản lý mạng lưới thu gom rác dễ dàng và hiệu quả. Xây dựng mạng lưới thu mua phế liệu, cơ sở tái chế phế liệu hợp pháp nhằm hạn chế tình trạng tồn tại các điểm đổ xả thải, tập kết, chôn lấp rác thải trái quy định.

Đồng lòng cùng làm một hành động nhỏ, để có kết quả lớn

Cũng theo nhiều ý kiến, ngay bây giờ, mỗi người dân phải tiên phong trong việc thay đổi tư duy, thay đổi thái độ với các hành vi làm tổn hại đến môi trường, chính là thay đổi chất lượng cuộc sống; đã đến lúc mỗi người dân cần hành động vì một môi trường sống bền vững; hãy cùng bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ nhất, đồng lòng cùng làm một hành động nhỏ, để có kết quả lớn. 

Để TP trở thành một “siêu đô thị thông minh”, một “TP sinh thái thông minh”, ngày càng phát triển kinh tế - xã hội bền vững với một môi trường trong sạch, đảm bảo sức khoẻ cho người dân cũng như tăng cường hình ảnh “TP xanh - Du lịch bền vững”, một số ý kiến cho rằng, TP cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị thu gom, vận chuyển tư nhân cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp; Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các đơn vị thu gom, vận chuyển tư nhân thay đổi các thiết bị thu gom, vận chuyển truyền thống thành thùng rác 4 ngăn. Đồng bộ thu gom, vận chuyển các thùng rác đã phân loại (4 ngăn) từ xe đẩy tay đến các trạm trung chuyển.

Đồng thời, xem xét ban hành triển khai thí điểm chính sách phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực công cộng, khu chung cư cao cấp, bệnh viên, trường học,… nơi phát sinh nhiều chất thải. Áp dụng công nghệ thông tin để thí điểm triển khai phạt nguội các hành động vứt rác công cộng;

Bên cạnh đó, triển  khai thí điểm “Thùng rác thông minh” tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ: lắp đặt các thùng rác phân loại thông minh vừa mang tính giáo dục tuyên truyền, vừa lan toả hoạt động giảm thiểu chất thải; Tuyên truyền các cửa hàng kinh doanh ẩm thực, ăn uống, dịch vụ thay đổi các bao bì nhựa bằng các bao bì thân thiện môi trường. Phát động hoạt động “Ngày cuối tuần vui vẻ” thu phí xả thải chất thải nhựa vào các ngày thứ 7 tại khu vực phố đi bộ…

Tăng cường tuyên truyền đến cộng đồng về ý thức giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng

Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Trần Kim Yến đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội cần quan đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác đối thoại, tuyên truyền và vận động nhân dân, người lao động, tổ chức, doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương cơ quan, đơn vị với nhiều hình thức phong phú và đa dạng; tổ chức tuyên truyền, vận động đến tất cả người dân, hộ gia đình, tiểu thương tại các chợ dân sinh, chủ nguồn thải giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, tăng cường sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường, khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần.

Đồng chí Trần Kim Yến phát biểu tại hội nghị Đồng chí Trần Kim Yến phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông, giáo dục trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên về ý thức bảo vệ môi trường thông qua các hành động thiết thực như: trường học xanh, không xả rác thải bừa bãi, chủ động thu dọn rác thải sau các hoạt động, sự kiện đông người; tăng cường tuyên truyền đến cộng đồng về ý thức giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng như thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn, để rác đúng nơi quy định, không để động vật nuôi phóng uế bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung và tạo môi trường sống sạch, xanh và thân thiện môi trường.

Đồng chí Trần Kim Yến cũng yêu cầu cần tăng  cường công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường; triển khai việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera giám sát để xử lý các hành vi phạm vệ sinh môi trường từ nhắc nhở trực tiếp, nhắc nhở thông qua tổ dân phố đến xử lý bằng hình thức phạt tiền thông qua hình ảnh ghi nhận được; thường xuyên rà soát, giải quyết các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải và duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo và không để phát sinh điểm ô nhiễm mới; tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế bền vững với môi trường sống.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo