Nguyên tắc, phương châm tự phê bình và phê bình chủ yếu thực hiện ở chi bộ và cấp ủy đảng. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của Đảng ta trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng nên phải được thực hiện thường xuyên. Bởi, một đảng che giấu khuyết điểm là một đảng hỏng (Hồ Chí Minh). Trong thực hiện tự phê bình và phê bình còn phải dựa vào dân, động viên, tạo cơ chế cho nhân dân giám sát và phê bình tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, khi thực hiện tự phê bình và phê bình phải: thứ nhất, thật thà, thẳng thắn, khách quan, trung thực và mục đích là nhằm giúp nhau tiến bộ; thứ hai, dựa trên tình đồng chí và thương yêu lẫn nhau; thứ ba, phải đảm bảo tinh thần dân chủ và đoàn kết nội bộ; thứ tư, phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, có kết luận theo nguyên tắc đa số nhưng có tôn trọng ý kiến thiểu số; thứ năm, phải dám nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm nếu bản thân có khuyết điểm, sai sót; thứ sáu, theo dõi quá trình sữa chữa khuyết điểm của bản thân và đồng chí mình để tránh “đánh trống bỏ dùi”…
Như vậy, trong tự phê bình và phê bình, phải tránh bệnh chủ quan, động cơ cá nhân, thiếu dân chủ, không công khai, bản thân che giấu khuyết điểm của mình hoặc bao che khuyết điểm, dĩ hòa vi quý, nể nang, hoặc giấu diếm, không tự giác nhận khuyết điểm, quanh co, đổ cho lý do khách quan, cho cấp dưới cấp trên, đặc biệt là lợi dụng đấu tranh tự phê bình và phê bình làm mất đoàn kết…
Trên thực tế, có đấu tranh một cách khách quan, trung thực và động cơ trong sáng mới đoàn kết được. Vì vậy, nếu ai đó cho rằng, đấu tranh tự phê bình và phê bình là mất đoàn kết và sợ mất đoàn kết là không đúng và các khuyết điểm thường tích tụ, nhỏ thành lớn, có khi rất phức tạp. Sợ mất đoàn kết nên có ít không dám thẳng thắn đấu tranh tự phê bình và phê bình, lại nặng bệnh dĩ hòa vi quý, bằng mặt không bằng lòng, che giấu khuyết điểm, kiểu ta không đụng đến người thì người không đụng đến ta, tâm lý yên thân, hoặc tránh né, phê bình theo lối thiên vị… là thực trạng thường thấy không ít tổ chức đảng hiện nay.
Quan sát ta thấy có nhiều loại khuyết điểm: khuyết điểm liên quan nguyên nhân khách quan hoặc nguyên nhân chủ quan là chính; khuyết điểm liên quan tới trình độ, năng lực; khuyết điểm liên quan tới tác phong, phương pháp công tác; khuyết điểm liên quan tới phẩm chất đạo đức, tư cách, lối sống; khuyết điểm liên quan tới lập trường tư tưởng chính trị; khuyết điểm liên quan đến pháp luật của Nhà nước… Thường là khi có khuyết điểm liên quan tới phẩm chất đạo đức, lối sống, tư cách, lập trường tư tưởng chính trị, pháp luật của Nhà nước… thì chủ thể hay quanh co, trốn tránh, ít khi dám thừa nhận. Do đó, đấu tranh tự phê bình và phê bình thường là một quá trình khó khăn bởi nó không chỉ liên quan tới nhiều sự kiện có khi phức tạp, bị che lấp mà còn do tâm lý con người thường cái tốt thì phô ra cái xấu xa thì che lại, chỉ khi được trưng ra chứng cứ rõ ràng mới phải nhận mà thôi. Có thể nói, tự phê bình và phê bình ở chi bộ có không ít khó khăn và tế nhị.
Vì vậy, thực hiện tự phê bình và phê bình ở chi bộ phải có phương pháp và nghệ thuật. Nghĩa là phải có chuẩn bị, có ý thức thường trực, khi phát hiện có dấu hiệu khuyết điểm và sai lầm, phải có nghiên cứu, tìm hiểu lý do, chứng cứ, tâm lý. Cấp ủy phải có lãnh đạo, chỉ đạo và phải làm gương, phải tự giác trước (nhất là khuyết điểm của cấp ủy và người đứng đầu). Phải biết kết hợp cương quyết và mềm dẻo đúng lúc, đúng việc, đúng người, phải chỉ ra những chứng cứ phù hợp, đồng thời, việc tự phê bình và phê bình phải trên cơ sở thiện ý, chân tình, vì đồng chí, vì tập thể chứ không có động cơ cá nhân.
Cấp ủy và đảng viên phải sâu sát, lắng nghe các bức xúc, ý kiến từ nhân dân trong việc phát hiện những khuyết điểm trong công tác, trong hoạt động của cán bộ, đảng viên trên các lĩnh vực công tác để kịp thời kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tránh để bức xúc âm ỉ kéo dài, hoặc “cho qua”, không kiểm điểm, sửa chữa khuyết điểm để ảnh hưởng xấu đến tâm lý, niềm tin của quần chúng nhân dân.
Kết quả thực hiện tự phê bình và phê bình ở chi bộ đạt kết quả đến đâu thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Không chỉ do những ở quan điểm, phương pháp, tâm lý của chủ thể tham gia tự phê bình và phê bình hay tính chất, mức độ khuyết điểm, vị trí (chức vụ) của người có khuyết điểm mà còn phụ thuộc vào những người có uy tín trong chi bộ, những đảng viên cao tuổi đảng và đặc biệt là ở sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nhất là người đứng đầu.
Trong thực hiện tự phê bình và phê bình ở chi bộ, cần tạo điều kiện cho người có khuyết điểm và người có liên quan trao đổi để qua đó thêm sáng tỏ vấn đề. Bởi có khi do thông tin sai lệch dẫn đến những khẳng định sai đúng, mức độ khuyết điểm, chủ thể khuyết điểm lúc đầu chưa được làm rõ, thậm chí có sai lầm, dần dần qua nhiều lần trao đổi, đối thoại trong chi bộ xác định được chân tướng sự việc, có khi khác với nhận định lúc đầu. Vì vậy, trong tự phê bình và phê bình ở chi bộ phải kiên trì, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng người có khuyết điểm, tạo điều kiện cho họ khắc phục khuyết điểm và tiến bộ.
Bên cạnh đó, phải chú ý chứng cứ khách quan để tránh tình trạng suy luận, chụp mũ, đao to búa lớn, hoặc nể nang, tạo kẽ hở để người có khuyết điểm trốn tránh khuyết điểm. Cũng cần lưu ý, nếu mỗi cá nhân không sớm tự giác nhận thấy đầy đủ khuyết điểm, hoặc chỉ nhận một phần có thể làm cho khuyết điểm sẽ tăng thêm. Vấn đề vẫn là trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên và nhất là cấp ủy.
Thực hiện tự phê bình và phê bình ở chi bộ một cách kịp thời, đúng đắn có hiệu quả là một trong những giải pháp chủ yếu đề xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh và giúp cán bộ, đảng viên tiến bộ, xứng đáng người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, như Bác Hồ kính yêu thường nhắc nhở!.
TS. Hồ Bá Thâm