Thứ Năm, ngày 10 tháng 7 năm 2025

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ hiện nay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý vấn đề cán bộ. Ng­ười nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”. Khi đã chọn được cán bộ, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như­ ngư­ời làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Nội dung đào tạo, bồi d­ưỡng phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, có tính thiết thực, phù hợp với chức trách nhiệm vụ của cán bộ. Muốn vậy, phải biết rõ cán bộ, phải đánh giá đúng, xem xét một cách khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể; phải từ hoạt động thực tiễn, hiệu quả công việc mà xem xét, đánh giá cán bộ. Bên cạnh đó ng­ười làm công tác cán bộ phải có đủ phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, phải nghiêm túc tự phê bình những sai lầm khuyết điểm của mình, phải mẫu mực, trong sáng, vô t­ư, phải biết tự đánh giá chính mình.

Khéo dùng cán bộ, mục đích cốt để thực hiện thắng lợi đ­ường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Dùng cán bộ đúng là độ l­ượng, chí công vô t­ư, không thành kiến, phải có tinh thần rộng rãi, gần gũi với cả ngư­ời mình không ­ưa. Chú trọng vào công việc, tài năng, sở tr­ường của cán bộ để bố trí, sắp xếp, đề bạt; trọng dụng ngư­ời tài (kể cả người ngoài Đảng), cơ cấu hợp lý, hài hòa giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, cán bộ già với cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải dùng ng­ười đúng chỗ, đúng việc”.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”.

Nhìn lại công tác cán bộ hiện nay, có thể nhận thấy một số vấn đề đáng quan tâm.

Thứ nhất, quyền hạn chưa gắn đầy đủ với trách nhiệm cá nhân. Hiện nay, trách nhiệm cá nhân được đề cập khá dè dặt, trong khi đó vai trò của tập thể lại được đề cao. Trong khi đó, cơ chế bổ nhiệm cán bộ còn nhiều tầng nấc và thuộc thẩm quyền của một cơ quan khác, do đó những sai phạm của người dưới quyền sẽ khó gắn với trách nhiệm của người lãnh đạo trực tiếp. Ví dụ, cấp trưởng không được quyền lựa chọn cấp phó giúp việc cho mình mà do cơ quan cấp trên chọn và bổ nhiệm, do đó nhiều trường hợp có khó khăn trong việc phân công công việc hoặc xác định trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Mặt khác, trên danh nghĩa, một quyết định do tập thể đưa ra nhưng không phải bao giờ tinh thần dân chủ cũng được phát huy bởi không ít trường hợp ý kiến đó chỉ thuộc về một cá nhân. Và trong điều kiện tập thể không phải là chủ thể của các quan hệ pháp luật, thì nói tập thể chịu trách nhiệm pháp lý cũng có nghĩa trách nhiệm gần như không thuộc về một ai.

Thứ hai, cơ chế tuyển dụng, sa thải cán bộ, chính sách tiền lương còn nhiều bất cập. Với tuyển dụng suốt đời, khi người lao động thi đậu công chức gần như yên tâm công tác suốt đời. Mặc dù Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về việc buộc thôi việc nhưng số công chức, viên chức bị đưa ra khỏi bộ máy khá khiêm tốn. Trên thực tế, việc định lượng để làm thước đo sàng lọc những cán bộ suy thoái, biến chất, vô cảm với nhân dân, quan liêu, sách nhiễu dân, làm việc không hiệu quả… còn không rõ ràng, dễ dẫn đến nhận định cảm tính. Trong khi đó, nội dung, phương thức tuyển dụng, thi tuyển, bổ nhiệm so với trước đây đã có tiến bộ hơn nhiều, nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu công khai, minh bạch nên vẫn còn những tiêu cực, thường được gọi là “chạy”. Về chế độ lương bổng, trừ những trường hợp cá biệt, còn lại hầu hết “đến hẹn lại lên lương”. Người có năng suất lao động cao, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hay người có năng suất lao động thấp, được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ đều trả mức lương như nhau và cứ 24 tháng hoặc 36 tháng tăng một bậc lương. Điều đó có thể làm triệt tiêu động lực cạnh tranh, phấn đấu vươn lên của người lao động.

Thứ ba, tình trạng chạy chức, chạy quyền, tham nhũng. Vấn đề “chạy” đã được nêu trong Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ XII: “Trên một số vấn đề, qua kiểm điểm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp từ Trung ương đến cơ sở vẫn chưa làm rõ thực chất, mức độ nghiêm trọng của tình hình, xảy ra ở đâu, ai chịu trách nhiệm, như tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tình trạng chạy chức, chạy tội, tham nhũng, lợi ích nhóm...”; “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”… Vấn đề này cũng đã được nhắc đến trong nhiều diễn đàn Quốc hội, HĐND, các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào độc lập nghiên cứu thống kê, điều tra, khảo sát và có số liệu trả lời thỏa đáng để giải tỏa các bức xúc trong dư luận…

Để đổi mới công tác tổ chức, cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần quan tâm một số giải pháp:

Một là, trao quyền gắn với trách nhiệm cá nhân và kiểm soát quyền lực. Mạnh dạn trao quyền tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ dưới quyền cho người lãnh đạo trực tiếp để buộc họ phải chịu trách nhiệm cao nhất về các quyết định của mình, nếu khi họ làm sai thì cơ quan cấp trên sẽ xử lý. Nhưng khi giao quyền thì phải có một cơ quan khác giám sát, kiểm soát quyền lực được giao (tránh lạm quyền). Xây dựng văn hóa từ chức khi không còn tín nhiệm trong tập thể, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có sai phạm.

Hai là, thay đổi phương thức tuyển chọn, thi tuyển, bầu cử, bổ nhiệm cán bộ. Tạo cơ chế tuyển dụng, thi tuyển theo nguyên tắc “mở” và cạnh tranh công khai để góp phần giảm tiêu cực trong công tác cán bộ. Phải bảo đảm minh bạch việc bầu cử, bổ nhiệm để nhân dân có thể tham gia giám sát, phản biện nếu cần thiết. Phải xây dựng đề án khoa học về đánh giá cán bộ nhằm lượng hóa các tiêu chí chính xác cho tất cả các ngành, các cấp, từ đó mới tiến hành quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá sau đào tạo, từ đó làm cơ sở bố trí, điều động, luân chuyển, đãi ngộ phù hợp. Tiến hành cải cách chính sách tiền lương, trước mắt cần thực hiện ngay Kết luận 86-KL/TW ngày 24-1-2014 của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Ba là, phân công rõ ràng giữa chức năng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước đối với công tác cán bộ. Cần thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng một cách rõ ràng, cụ thể như: việc gì cần xin ý kiến cấp ủy, việc gì cấp ủy không cần can thiệp, cấp ủy chịu trách nhiệm công việc ở mức độ nào… Càng có các quy định cụ thể thì bộ máy vận hành càng tốt, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót. Trong công tác cán bộ của Đảng, cần lưu ý, khi Đảng đưa đảng viên giữ các vị trí lãnh đạo trong chính quyền thì nhân sự đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và vô điều kiện trước pháp luật (bởi pháp luật là chủ trương, đường lối của Đảng đã được thể chế hóa) và không nhất thiết phụ thuộc vào cấp ủy khi xử lý sai phạm.

Bốn là, thực hiện tinh giản biên chế, đồng thời xem xét từng bước sáp nhập một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Thực hiện chủ trương quản lý biên chế thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị. Tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị”. Do đó, phải mạnh dạn sắp xếp lại tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, thực hiện việc giải quyết chế độ cho các trường hợp không hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc sức khỏe không bảo đảm… Đồng thời, xem xét từng bước sáp nhập các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, cả ở cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể…

ThS. Phạm Đình Lương

Thông báo