CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X
về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng,
chống tham nhũng, lãng phí
----------------
Trong những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền Thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành. Cùng với việc củng cố, kiện toàn, sáp nhập Ban chỉ đạo chống tham nhũng Thành phố vào Ban chỉ đạo 6 (2) của Thành ủy, cấp ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông tri, kế hoạch về lãnh đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức; đẩy mạnh cuộc vận động tu dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh trong cán bộ, đảng viên; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiến hành hàng ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực được nhân dân đồng tình, góp phần tích cực trong giáo dục phòng, chống sai phạm của đảng viên, cán bộ, công chức, bảo đảm ổn định chính trị, phục vụ cho mục tiêu xây dựng, phát triển Thành phố.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Thành ủy chưa sâu rộng; công tác quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước còn lỏng lẻo, yếu kém; cuộc vận động tu dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh trong cán bộ, đảng viên đạt kết quả chưa cao, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm kém, cơ hội, sống thực dụng, lãng phí, xa hoa bị xử lý; việc bố trí cán bộ ở một số nơi chưa phù hợp, cá biệt cán bộ có dư luận tiêu cực chậm được kiểm tra, xử lý, thay thế kịp thời,... Những yếu kém trên đã làm sút giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và Chính quyền Thành phố.
Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng bộ là :
- Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tính cấp bách của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thiếu biện pháp chỉ đạo kiểm tra, giám sát; chưa phát huy tốt vai trò của đảng viên và nhân dân để phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý chưa kịp thời; chỉ đạo đấu tranh chống tham nhũng còn dàn đều, chưa đi sâu trọng tâm, trọng điểm ở những ngành, lĩnh vực, đơn vị dễ phát sinh tiêu cực; tình trạng lãng phí ở một số ngành, đơn vị, địa phương chậm được khắc phục.
- Lãnh đạo công tác cải cách hành chính, nhất là khối sở - ngành đạt hiệu quả chưa cao; phân cấp quản lý còn chồng chéo, sơ hở, dễ bị lợi dụng tiêu cực. Công tác quản lý tài chính, tài sản công ở một số đơn vị, địa phương chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc sai phạm.
- Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, cơ chế kiểm tra, giám sát của các đoàn thể, cán bộ, công chức và nhân dân đối với cơ quan nhà nước còn hình thức, thiếu cụ thể, chưa khơi dậy mạnh mẽ phong trào nhân dân đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
- Các ban Đảng, các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa phát huy tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp còn chậm.
Để khắc phục tồn tại, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhằm thực hiện tốt mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính” theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X đề ra; Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thống nhất đề ra Chương trình hành động đến năm 2010 như sau :
I.- CHỦ TRƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP
1/ Nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí
a) Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị, địa phương trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí :
- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt Nghị quyết 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Chương trình hành động của Thành ủy, xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, vừa mang tính cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài. Để góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm thực hiện của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân, đặc biệt chú trọng việc giáo dục cho công dân, doanh nghiệp không tiếp tay, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tiêu cực, tham nhũng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh có hiệu quả với tệ tham nhũng, lãng phí.
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU ngày 20/10/2003 của Ban Thường vụ Thành ủy về cuộc vận động tu dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh trong cán bộ, đảng viên, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, phát động phong trào tự rèn luyện, tu dưỡng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cả hệ thống chính trị và trong xã hội. Cán bộ lãnh đạo và đảng viên phải nêu gương về đạo đức, lối sống, đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
b) Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên :
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng từ Thành phố đến cơ sở, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, tính tự giác của tổ chức đảng và đảng viên; kiên quyết xử lý trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu đơn vị, địa phương để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nhất là các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Nâng cao tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình, phê bình của cán bộ lãnh đạo, cấp ủy và đảng viên trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở từng chi bộ, đảng bộ. Ở đâu có tham nhũng, lãng phí thì trước tiên cấp ủy, chi bộ cơ sở đó phải chịu trách nhiệm.
- Tăng cường quản lý việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và quan hệ xã hội của đảng viên, cán bộ, công chức; thường xuyên giáo dục, nhắc nhở, kiểm tra và kịp thời xử lý những trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào tiêu chuẩn phân tích chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hàng năm. Thực hiện có hiệu quả cơ chế chất vấn trong sinh hoạt đảng.
- Lãnh đạo phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội. Chỉ đạo sơ kết rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng thực hiện chủ trương cán bộ chủ chốt phường - xã, thị trấn tự phê bình và phê bình trước hội nghị nhân dân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức.
c) Tiếp tục hoàn thiện công tác cán bộ phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí :
- Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 02-CT/TU ngày 12/7/2006 của Thành ủy về quy hoạch và đào tạo cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kế hoạch 05-KH/TU ngày 12/7/2006 của Thành ủy về quy hoạch cán bộ diện Thành ủy quản lý giai đoạn 2006 - 2015.
- Xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế tuyển dụng cán bộ; quy định về phân cấp quản lý cán bộ; quy định về xử lý trách nhiệm người giới thiệu, bổ nhiệm, đề bạt sai cán bộ. Thực hiện tốt qui định của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn ở các cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Khuyến khích cán bộ lãnh đạo chủ động từ chức do liên quan trách nhiệm để xảy ra tham nhũng ở đơn vị, địa phương.
- Rà soát, sắp xếp, luân chuyển, bố trí lại cán bộ để củng cố, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước trọng yếu để bảo đảm yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết thay thế, không bố trí những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực, số cán bộ có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Chủ động xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền ngay khi đủ cơ sở chứng minh cán bộ, đảng viên có vi phạm, không chờ cơ quan pháp luật xử lý.
- Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, xác minh bản kê khai của cán bộ, đảng viên và hướng dẫn, kiểm tra việc đảng viên làm kinh tế tư nhân đúng pháp luật Nhà nước và qui định của Đảng.
- Tổ chức quán triệt và hướng dẫn đảng viên, cán bộ, công chức thực hiện nghiêm những quy tắc ứng xử theo qui định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (quy định không sử dụng công quỹ làm quà tặng, chiêu đãi, tiếp khách không đúng quy định; quy tắc quan hệ giữa người thực hiện công vụ với công dân, tổ chức, doanh nghiệp; quy tắc trong việc cưới, việc tang,...).
- Thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí hành chính đối với các cơ quan Đảng và Nhà nước.
d) Củng cố, kiện toàn các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng, hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng:
- Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Trung ương khóa IX và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp; tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy ngành Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án; chú trọng kiện toàn, bổ sung cán bộ chuyên trách thanh tra công vụ, cán bộ chuyên trách điều tra tội phạm về chức vụ; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ cán bộ tư pháp; tăng cường kiểm tra phòng, chống sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức ở các cơ quan tư pháp.
- Tuyển chọn cán bộ có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực bố trí vào Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí Thành phố và các cấp theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.
- Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài.
- Có cơ chế, chính sách bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng và chính sách đối với người tự giác, thành khẩn khai báo và khắc phục hậu quả. Xây dựng quỹ khen thưởng phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
2/ Củng cố, kiện toàn, xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội
a) Công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước :
- Đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động 09-CTr/TU ngày 12/6/2006 của Thành ủy về cải cách hành chính và chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí với trọng tâm : tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi, giảm phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp; kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, theo hướng tinh gọn, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân; thực hiện tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bố trí, luân chuyển cán bộ; giáo dục đạo đức lối sống, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức.
- Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước Thành phố, quận - huyện, phường - xã - thị trấn; chú trọng quản lý chặt chẽ các quỹ đóng góp của nhân dân, kể cả việc quản lý các quỹ từ thiện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội.
- Duy trì thực hiện chế độ khảo sát về sự hài lòng của công dân và doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước, qua đó kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém của các sở - ngành, quận - huyện trong việc phục vụ nhân dân.
b) Thực hiện tốt cơ chế, chính sách quản lý nhà nước trên các lĩnh vực :
- Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 06-CT/TU ngày 04/11/2002 của Ban Thường vụ Thành ủy về lập lại kỷ cương, chấp hành pháp luật, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố, nhất là các lĩnh vực quản lý kinh tế, quy hoạch, xây dựng, nhà đất, giao thông, trật tự đô thị, văn hóa, xã hội...
- Thực hiện nghiêm các qui định về quản lý và sử dụng đất đai, công sở, đầu tư xây dựng cơ bản, thu, chi ngân sách, việc đào tạo và sử dụng lao động, trong sản xuất và tiêu dùng. Có quy định về xử lý trách nhiệm người quyết định đầu tư sai, đầu tư lãng phí, có biện pháp chế tài đối với các đơn vị vi phạm quy định về đầu tư, xây dựng công trình.
- Phối hợp với các Bộ - Ngành Trung ương sớm hoàn thành việc điều chỉnh, sắp xếp, thu hồi các mặt bằng, nhà xưởng sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước theo Quyết định 80/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ quá trình cổ phần hóa, ngăn chặn, xử lý kịp thời tiêu cực, sai trái trong định giá, đấu giá tài sản doanh nghiệp; công khai việc mua, bán cổ phần của doanh nghiệp đã chuyển đổi. Xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.
- Thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Xử lý nghiêm những cán bộ được giao quản lý các doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện các giao dịch kinh doanh với doanh nghiệp thuộc sở hữu của người thân.
c) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán :
- Tập trung kiểm tra, kiểm toán, thanh tra một số lĩnh vực trọng điểm :
+ Việc đầu tư các dự án và xây dựng các công trình trọng điểm của Thành phố;
+ Việc quản lý, sử dụng nhà và đất thuộc sở hữu Nhà nước;
+ Việc giải quyết thủ tục hành chính của các sở - ngành, nhất là hải quan, quản lý thị trường, thuế;
+ Việc thu, chi ngân sách, quản lý và sử dụng các nguồn vốn ngân sách, tài chính doanh nghiệp, vốn vay, các quỹ từ thiện;
+ Việc thực hiện quy chế tự kiểm tra tài chính - kế toán của các cơ quan có sử dụng ngân sách.
- Chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, lãng phí phát hiện ở Thành phố.
- Tăng cường công tác thanh tra công vụ, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.
- Tập trung kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra. Chú trọng việc truy thu tài sản bị chiếm đoạt, kê biên tài sản phải đền bù. Chấn chỉnh hoạt động thi hành án dân sự và phát mãi tài sản sung công, bảo đảm thu đúng giá trị tài sản đã tịch thu. Chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc có nhiều dư luận bức xúc. Nghiên cứu kết hợp tổ chức và hoạt động kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra Đảng với cơ quan thanh tra các cấp, đề cao trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc tự kiểm tra để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
3/ Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí
- Hội đồng nhân dân phát huy vai trò giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước; phản ánh, kiến nghị những ý kiến góp ý, những bức xúc của nhân dân, thực hiện cơ chế nghe chính quyền báo cáo, thảo luận và chất vấn về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong các kỳ họp định kỳ hàng năm.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp xây dựng quy chế phối hợp giám sát hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động giám sát việc sử dụng các nguồn kinh phí từ ngân sách, các quỹ từ thiện, nhân đạo,...
- Đề cao vai trò của các cơ quan thông tin, các đoàn thể và nhân dân trong việc tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chủ động công khai việc xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí và định hướng thông tin cho các cơ quan báo đài để thông tin giải tỏa các bức xúc trong dư luận xã hội. Biểu dương, khen thưởng và bảo vệ những người có thành tích trong việc phát hiện, phản ánh các vụ việc tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm việc để lộ bí mật, gây khó khăn trong công tác xử lý, việc đưa tin sai sự thật, có dụng ý xấu, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.
II.- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1/ Các Cấp ủy, Chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể nhân dân tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW của Trung ương và Chương trình hành động của Thành ủy về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại đơn vị, địa phương; định kỳ hàng năm sơ kết rút kinh nghiệm.
2/ Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Chương trình hành động của Thành ủy và chỉ đạo các sở - ngành, quận - huyện xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; trong đó, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội của bộ máy chính quyền; thường xuyên kiểm tra, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của các cấp, các ngành. Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức.
3/ Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức quán triệt Nghị quyết 04-NQ/TW của Trung ương, hướng dẫn chỉ đạo báo chí thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đảng viên, cán bộ công chức và nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
4/ Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai thực hiện các chuyên đề về nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng, đảng viên; công tác cán bộ; kiện toàn cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng; xử lý trách nhiệm người giới thiệu, bổ nhiệm, đề bạt sai cán bộ. Kiểm tra việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên.
5/ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tham mưu giúp Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo thực hiện tốt các qui định của Trung ương về chính sách khuyến khích, xử lý đối với các trường hợp đảng viên, cán bộ, công chức tiêu cực, tham nhũng, nhưng tự giác, thành khẩn nhận khuyết điểm và khắc phục được hậu quả; hàng năm, có kế hoạch kiểm tra các lĩnh vực trọng yếu, các cơ quan, đơn vị dễ phát sinh tiêu cực để phòng ngừa sai phạm ở các đơn vị, địa phương.
6/ Ban Dân vận Thành ủy chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội; vai trò của ban thanh tra nhân dân cơ sở và nhân dân trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
7/ Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí Thành phố xây dựng quy chế làm việc, chương trình công tác hàng năm để tham mưu giúp Thành ủy chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ trì phối hợp với các ban Đảng, các sở -ngành chức năng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành; hàng năm báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ Thành ủy.
| T/M BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TP
BÍ THƯ
(Đã ký)
Lê Thanh Hải |