Qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 52-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa VII) về lãnh đạo công tác phòng chống HIV/AIDS, bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về công tác này. Cùng với việc thực hiện Đề án “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện”, Thành phố đã tập trung hơn 30.000 người nghiện ma túy vào các trường, trung tâm cai nghiện; triển khai rộng rãi Chương trình chăm sóc chữa trị toàn diện cho người nhiễm HIV/AIDS; huy động, tiếp nhận và thực hiện khá tốt các chương trình hợp tác quốc tế về phòng chống HIV/AIDS; xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình phối hợp phòng chống AIDS, góp phần hạn chế sự lan truyền HIV ra cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác phòng chống HIV/AIDS nên nhiều cấp ủy, chính quyền chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác này; việc tuyên truyền, giáo dục ý thức về phòng chống bệnh chưa thường xuyên và sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao; công tác phối hợp liên ngành chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ chuyên trách vừa thiếu, vừa yếu; kinh phí đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu; việc điều trị HIV khó khăn do giá thành điều trị cao; tỷ lệ lây nhiễm HIV trên địa bàn còn cao (tỷ lệ nhiễm hiện ở mức 0,6 - 0,8%, cao hơn 2 lần mức khống chế lây nhiễm đến năm 2010 là 0,3%); các giải pháp phòng chống tệ nạn xã hội nhất là ma túy, mại dâm chưa triệt để, hiệu quả... đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS của Thành phố.
Để khắc phục tồn tại, yếu kém trên và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 54-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tăng cường lãnh đạo công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy ngày 17/5/2006 đã thảo luận và thống nhất đề ra chương trình hành động từ nay đến 2010 như sau :
I.- MỤC TIÊU :
Tập trung lãnh đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chương trình, giải pháp, phòng chống, không để HIV/AIDS phát triển tràn lan thành đại dịch trên địa bàn. Phấn đấu khống chế mức tăng tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng từ nay đến năm 2010 và không tăng sau 2010; giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới hàng năm trong cộng đồng dân cư và đạt mức dưới 0,1% vào 2010, góp phần kéo giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
II.- MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CẦN TẬP TRUNG THỰC HIỆN ĐẾN NĂM 2010 :
1/ Quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng chống HIV/AIDS :
- Tổ chức quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân để tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng việc phòng chống bệnh trong cộng đồng dân cư, nhất là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, nhằm hình thành nhận thức đúng về nguy cơ và hiểm họa của dịch HIV/AIDS, có thái độ, hành vi cư xử đúng đối với người nhiễm HIV/AIDS; gắn công tác phòng chống AIDS với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Giao Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Ủy ban phòng chống AIDS, Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Giáo dục - Đào tạo Thành phố xây dựng đề án tuyên truyền, giáo dục công tác phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2006 - 2010.
2/ Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác phòng chống HIV/AIDS :
- Nâng cao vai trò các cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này; thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS của các cấp, các ngành. Đưa nội dung phòng chống HIV/AIDS vào chương trình công tác của cấp ủy, chính quyền, xác định việc thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương.
- Xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội; có kế hoạch, giải pháp, biện pháp đẩy mạnh việc thực hiện chương trình mục tiêu 3 giảm để đấu tranh ngăn chặn hiệu quả việc lây nhiễm HIV trong các đối tượng (ma túy, mại dâm) có nguy cơ lây nhiễm cao.
Giao Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố chủ trì, phối hợp với các ban Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Thành phố, các sở ngành liên quan xây dựng đề án thực hiện nhiệm vụ này.
3/ Củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS :
- Sơ kết, rút kinh nghiệm chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ủy ban phòng chống AIDS Thành phố để phát huy vai trò tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác này.
- Tăng cường củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ quận - huyện, phường - xã - thị trấn; chú trọng đào tạo và có chính sách chăm lo cho đội ngũ cán bộ chuyên trách để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS.
Giao Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo Ủy ban phòng chống AIDS Thành phố phối hợp với các sở ngành liên quan xây dựng đề án củng cố kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác phòng chống HIV/AIDS.
4/ Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư để đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống HIV/AIDS :
- Tăng mức đầu tư từ nguồn ngân sách Thành phố; khuyến khích các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS. Nghiên cứu hình thành tổ chức xã hội phòng chống HIV/AIDS ở Thành phố để đẩy mạnh xã hội hóa công tác này.
- Mở rộng hợp tác đầu tư với các nước nhằm tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phục vụ cho công tác phòng chống HIV/AIDS của Thành phố.
Giao Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo Ủy ban phòng chống AIDS Thành phố phối hợp các sở ngành liên quan xây dựng đề án bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS; phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố xây dựng đề án vận động toàn xã hội tham gia thực hiện công tác này.
5/ Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phòng chống HIV/AIDS như : Chương trình thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS; Chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; Chương trình giám sát HIV/AIDS; Chương trình tiếp cận điều trị HIV/AIDS; Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con; Chương trình quản lý và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục; Chương trình an toàn truyền máu; Chương trình tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế trong phòng chống HIV/AIDS.
Giao Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo Ủy ban phòng chống AIDS Thành phố phối hợp các sở ngành liên quan xây dựng đề án tổ chức thực hiện các chương trình trên.
III.- TỔ CHỨC THỰC HIỆN :
1/ Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tổ chức sơ kết, đánh giá những việc làm được, những tồn tại, yếu kém trong việc thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian qua; trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện trong thời gian tới. Định kỳ hàng năm sơ kết rút kinh nghiệm để có chỉ đạo trong các năm về sau.
2/ Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân Thành phố, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố cụ thể hóa Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy về phòng chống HIV/AIDS, gắn với việc hoạch định các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010; chỉ đạo các sở ngành, quận - huyện xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của các ngành, các cấp.
3/ Giao Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ủy ban phòng chống AIDS Thành phố theo dõi việc triển khai thực hiện của các cấp, các ngành; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả cho Ban Thường vụ Thành ủy.
| T/M BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC
(Đã ký)
Lê Hoàng Quân |