Các đại biểu tham dự hội thảo(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 18/11, Khoa Chính trị - Hành chính, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học: “Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030”.
Hội thảo thu hút 70 nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên đến từ các học viên trường đại học tham dự. Đây là một trong những hoạt động nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp các đề xuất liên quan đến công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số qua đó, góp phần nâng cao sự hiểu biết, cũng như thúc đẩy các hoạt động thực tiễn liên quan đến triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đóng góp thiết thực trong công tác quản trị nhà nước trước những thay đổi của công cuộc chuyển đổi số và yêu cầu cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phạm Huỳnh Minh Hùng, Trưởng Khoa Chính trị - Hành chính, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số ở Việt Nam đã và đang trở thành yêu cầu tất yếu trong công cuộc hiện đại hóa hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, xã hội theo định hướng xây dựng, phát triển của Đảng và Nhà nước.
TS. Phạm Huỳnh Minh Hùng cũng cho rằng, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số hiện nay tại Việt Nam đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Từ đó cho thấy việc nghiên cứu nhằm tìm ra những giải pháp, kiến nghị góp phần thúc đẩy quá trình phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số hiện nay ở Việt Nam là một nội dung cần thiết, có nhiều ý nghĩa thực tiễn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Việt Nam. Một số ý kiến đã đóng góp cho việc hệ thống hoá về cơ bản các vấn đề lý luận về Chính phủ điện tử, Chính phủ số và vai trò của Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Các ý kiến cũng tập trung phân tích về thực trạng sinh động trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số ở Việt Nam trong bối cảnh cải cách hành chính nhà nước hiện nay. Đồng thời đã xác định được những định hướng quan trọng và đề xuất được các giải pháp có tính khả thi nhằm nâng cao hiệu quả quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số trong bối cảnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 ở Việt Nam…