Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 7/2, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (dự thảo Luật).
Đây là một trong những hoạt động nhằm khẩn trương triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đến dự có PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học của Đại học Quốc gia TPHCM đã có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, thẳng thắn về các nội dung của dự thảo Luật. Một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật cần có những điều chỉnh mang tính đột phá hơn, tập trung vào: Ưu đãi thuế mạnh mẽ và hỗ trợ tài chính linh hoạt hơn cho doanh nghiệp khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là đơn giản hóa thủ tục, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Cùng với xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp, cần cải thiện chính sách nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để thu hút nhân tài. Luật cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa từ sản phẩm nghiên cứu khoa học của họ thông qua thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc doanh nghiệp thuộc đại học.
Một số đại biểu cũng có ý kiến về tên gọi của Luật. Theo PGS.TS Phan Bảo Ngọc (Trường Đại học Quốc tế), tên dự thảo Luật cần bỏ cụm “đổi mới sáng tạo” vì đổi mới và sáng tạo là một quá trình của nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. PGS.TS Phan Bảo Ngọc cũng lưu ý, dự thảo Luật cần có các điều khoản liên quan chiến lược trọng điểm của quốc gia về trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng cao, vật liệu... để làm cơ sở pháp lý cho sự phát triển.
GS.TS Nguyễn Thị Cành (Trường Đại học Kinh tế - Luật) cho rằng, các quy định về tài chính và đầu tư cho khoa học công nghệ chỉ đề cập chi ngân sách cho khoa học công nghệ tối thiểu 2% ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, chưa bao quát bình quân đầu tư cho khoa học công nghệ từ các nguồn khác nhau chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của quốc gia? Trong đó, nguồn từ ngân sách Nhà nước là bao nhiêu, nguồn từ huy động xã hội ngoài nhà nước là bao nhiêu? Từ đó mới có chính sách huy động nguồn lực xã hội.
Theo GS.TS Phan Thị Tươi (Trường Đại học Bách Khoa) cần định nghĩa thế nào là “Khoa học mở” tại Điều 9. Chính sách của Nhà nước với khoa học mở. Mục 6 Điều 9 quy định “Quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu được chia sẻ thuộc về cá nhân hoặc tổ chức tạo ra kết quả hoặc theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có các quy định liên quan về vấn đề này.
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai (thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia TPHCM) đề xuất dự thảo Luật cần có các điều khoản quy định về Cơ chế đặc thù cho hai Đại học Quốc gia và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ. Theo đó, hai Đại học Quốc gia và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ là những trụ cột trong hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, do đó cần có cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cụ thể, trao quyền tự chủ cao hơn, cho phép các tổ chức này chủ động trong tuyển dụng, tài chính và hợp tác quốc tế. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, y sinh học, năng lượng tái tạo. Khuyến khích hợp tác giữa Đại học Quốc gia và doanh nghiệp, tạo cơ chế doanh nghiệp đồng tài trợ nghiên cứu để tăng cường tính ứng dụng.
Cùng ngày, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đóng góp về Chương trình Giáo sư thỉnh giảng (Chương trình). Chương trình nhằm thu hút, đẩy mạnh hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia TPHCM.
Giáo sư thỉnh giảng là chức danh do Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM ra quyết định bổ nhiệm, làm việc theo cơ chế bán thời gian, thực hiện công tác giảng dạy và nghiên cứu theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Chương trình đặt mục tiêu bổ nhiệm 100 giáo sư thỉnh giảng trong giai đoạn 2025-2030, riêng các năm 2025, 2026 mời và bổ nhiệm được 50 giáo sư thỉnh giảng. Những cá nhân được mời tham gia chương trình sẽ là các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có thành tích nổi bật, đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghệ trên thế giới; có hoài bão, khát vọng và mong muốn đóng góp, xây dựng, phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho Đại học Quốc gia TPHCM nói riêng và cho Việt Nam nói chung.
Theo tiêu chí bổ nhiệm, các ứng viên phải có thành tích nổi trội trong giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, với sự đóng góp được thể hiện qua các công bố quốc tế, bằng sáng chế và sản phẩm công nghệ. Đặc biệt, chương trình ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ sinh học, y sinh học, chip - bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, công nghệ vật liệu, năng lượng mới, logistic mới, tài chính quốc tế, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, lịch sử, văn hóa Việt Nam…