PGS.TS Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại chương trình(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 22/2, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tọa đàm “Liên kết đại học - địa phương - doanh nghiệp: Hợp lực vì sự phát triển kinh tế và xã hội”. Tại buổi tọa đàm các ý kiến cho rằng, trong 30 năm qua, Đại học Quốc gia TPHCM đã không ngừng mở rộng hợp tác với các địa phương và doanh nghiệp, tạo ra những thành tựu đáng tự hào trong đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng. Từ đó, góp phần giúp nâng cao chất lượng giáo dục và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và cả nước.
Xác định vai trò tiên phong trong thúc đẩy mô hình “Hợp tác ba nhà”
Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ, trước xu thế gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa giáo dục đại học và phát triển kinh tế - xã hội, Đại học Quốc gia TPHCM xác định vai trò tiên phong trong thúc đẩy mô hình “Hợp tác ba nhà” – liên kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.
“Đến nay, Đại học Quốc gia TPHCM đã hợp tác với 31 địa phương và hơn 200 doanh nghiệp, tập đoàn trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có các lĩnh vực về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đến hỗ trợ học bổng và tư vấn chính sách” - PGS.TS Nguyễn Minh Tâm chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, sự kết nối chặt chẽ giữa ba bên không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, mà còn tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Với niềm tin vững chắc, tinh thần hợp tác cùng có lợi, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm bày tỏ mong muốn Đại học Quốc gia TPHCM cùng các địa phương, doanh nghiệp cùng chung tay vượt qua thách thức, hướng tới một tương lai phát triển bền vững.
Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh, Trưởng ban Ban Đối ngoại và Phát triển Dự án Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ, nếu giai đoạn 2016 - 2020 là sự mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa Đại học Quốc gia TPHCM với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức, thì giai đoạn 2021 - 2025 lại là sự tập trung hoạt động đi vào chiều sâu. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng nguồn lực của địa phương, hỗ trợ địa phương trong hoạt động khoa học công nghệ, tư vấn và giải quyết các vấn đề cấp bách của địa phương; nâng cao hiệu quả gắn kết và hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức.
Riêng chương trình hợp tác giữa Đại học Quốc gia TPHCM và TPHCM, Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh cho biết, Đại học Quốc gia TPHCM đã thực hiện 42 nhiệm vụ, thành lập tổ công tác liên ngành có đại diện của địa phương, đại diện của các trường thành viên, của Đại học Quốc gia TPHCM.
Khẳng định vai trò dẫn dắt trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ
Theo Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh, trong giai đoạn này, Đại học Quốc gia TPHCM tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, góp phần gắn kết và phục vụ cộng đồng. Trong đó, đơn vị đã triển khai các dự án nổi bật như đô thị bền vững tại TPHCM và chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ cho các tỉnh miền Tây Nam bộ, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàmTại tọa đàm, các ý kiến khẳng định, hợp tác giữa đại học, doanh nghiệp và nhà nước không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa giúp Việt Nam phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu; đồng thời đề xuất các giải pháp xây dựng hệ sinh thái hợp tác đại học – doanh nghiệp – nhà nước.
Một số ý kiến cho rằng, sự thiếu kết nối giữa đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn đang tạo ra khoảng cách lớn giữa đại học, doanh nghiệp và thị trường lao động. Vì vậy, cần xây dựng một hệ sinh thái hợp tác thực chất, nơi doanh nghiệp, đại học và nhà nước phối hợp chặt chẽ để đồng sáng tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển nhân lực chất lượng cao.
Một số đại biểu kiến nghị, Nhà nước kiến tạo chính sách và thúc đẩy đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển). Các trường cần đổi mới mô hình đào tạo, gắn lý thuyết với thực tiễn. Doanh nghiệp chủ động tham gia và đầu tư vào nhân lực, công nghệ với sự trách nhiệm và quyền lợi của mình.