TS.BS Nguyễn Anh Dũng phát biểu tại Hội thảo.(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 19/10, tại TPHCM, Bộ Y tế phối hợp Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”. Tại Hội thảo, một số ý kiến cho rằng, để TPHCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực y tế chuẩn quốc tế và liên kết quốc tế; phát triển cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại,...
Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực phía Nam
Tại Hội thảo, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ, hệ thống y tế của TPHCM hiện nay bao gồm 129 bệnh viện, trong đó có 12 bệnh viện bộ, ngành chuyên sâu tuyến cuối của cả nước, góp phần làm nền tảng phát triển y tế chuyên sâu trên địa bàn. Tại TP còn có 32 bệnh viện TP, 19 bệnh viện quận, huyện và 66 bệnh viện tư nhân, 22 trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức, 310 trạm y tế xã, phường, thị trấn, hơn 8.000 phòng khám tư nhân cùng với mạng lưới cấp cứu ngoại viện gồm Trung tâm cấp cứu 115 và gần 40 trạm cấp cứu vệ tinh, đáp ứng nhu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh cho TP. Thời gian qua, nhiều bệnh viện TP cũng được đầu tư xây dựng mới với cơ sở vật chất đồng bộ; hình thành hệ thống 5 trung tâm cấp cứu 115 theo hướng chuyên nghiệp.
Là một cơ sở y tế của TPHCM, Bệnh viện Nhân dân 115 được giao nhiệm vụ và quyết tâm phát triển chuyên sâu lĩnh vực điều trị đột quỵ. BS.CKII Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, đến nay bệnh viện đã giúp đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về đột quỵ, hỗ trợ tư vấn thành lập các đơn vị đột quỵ cho nhiều tỉnh thành. Đồng thời, góp phần xây dựng mạng lưới đột quỵ TPHCM.
Chia sẻ về hợp tác quốc tế phát triển y tế chuyên sâu, tạo thế mạnh cạnh tranh, PGS.TS.BS Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2018, bệnh viện khánh thành Trung tâm kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt - Nhật. Đây là đơn vị hợp tác song phương giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và Đại học Quốc tế Sức khỏe và Phúc lợi (IUHW), Nhật Bản. Sau 5 năm hoạt động đã nâng cao trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp và đồng bộ cho đội ngũ nhân viên nhất là trong lĩnh vực Nội khoa, Nội soi. Cùng với đó là duy trì chương trình đào tạo định kỳ cho nhân viên trung tâm từ giao tiếp đến chuyên môn do chuyên gia Nhật Bản huấn luyện trực tiếp hoặc trực tuyến, nhân viên trung tâm sang Nhật Bản học. Tính đến nay, Trung tâm đã thu hút gần 10.000 khách hàng khắp cả nước, người Việt Nam và người nước ngoài.
Liên quan đến công tác đào tạo, riêng giai đoạn 2022-2023, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 11 bác sĩ đến từ Indonesia, Philippines đến học tập tại các khoa u gan, nội soi, ngoại tiêu hóa. Song song đó, đã đón 310 sinh viên đến từ Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản,… học tập tại các chuyên khoa: Bệnh nhiệt đới, Cấp cứu, Phỏng, Nội hô hấp, Huyết học, Nội tim mạch và tham quan kiến tập.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đánh giá, TPHCM không chỉ là một trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà còn là một trung tâm y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực phía Nam, của cả nước. Ngoài ra, TPHCM hiện có điểm đánh giá chất lượng bệnh viện tốt hơn nhiều so với trung bình chung cả nước, không có nhóm tiêu chí nào dưới 3,5 điểm.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê phát biểu tại Hội thảo.Cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng
TS.BS Nguyễn Anh Dũng chia sẻ, vừa qua ngành Y tế TPHCM đã tổ chức thành công Hội nghị “Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM”, tạo cơ sở khoa học để xây dựng đề án phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Tại đây, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp để góp phần chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Trong đó có các giải pháp xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở; cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; giải pháp để TPHCM trở thành điểm đến du lịch y tế, đẩy mạnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng cho biết, Sở Y tế cũng đề xuất lãnh đạo TPHCM chấp thuận phân cụm hệ thống y tế TP thành 3 cụm y tế khi xây dựng đề án phát triển TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khoẻ của khu vực ASEAN theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị. Cụ thể là “Cụm y tế trung tâm” bao gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối hiện hữu trên địa bàn các quận trung tâm của TP, tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong phát triển y tế chuyên sâu. “Cụm y tế Tân Kiên” đang trên lộ trình hiện thực hóa thành những cơ sở y tế chuyên sâu với cơ sở hạ tầng hiện đại, hướng đến trong tương lai không xa giữ vai trò chủ lực trong phát triển y tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ 3 là “Cụm y tế Thủ Đức” sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, phát triển y tế vùng Đông Nam bộ.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, việc xây dựng TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN là điều cần thiết và sẽ đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân, không để người dân ra nước ngoài chữa bệnh. Để TPHCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực y tế chuẩn quốc tế và liên kết quốc tế; phát triển cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại,... Cùng với đó là hoàn thiện, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh chữa bệnh và đột phá về y tế chuyên sâu, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, chuyển đổi số y tế…