Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn; TS Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng Trưởng cơ quan Thường trực miền Nam, Tạp chí Cộng sản.
Giải pháp xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM
Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, TP đã và đang tiến hành xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của TP, con người TP. TP đã từng bước hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên cả ba phương diện: về văn hóa vật thể, phi vật thể và trên không gian mạng. Trong thời gian qua, các địa phương, cơ quan, đơn vị của TP đang tích cực triển khai chương trình bằng các hành động thiết thực.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, để Hội thảo đạt chất lượng cao, thật sự là một đợt sinh hoạt chính trị - khoa học sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực, góp phần khẳng định những luận cứ khoa học và thực tiễn, góp phần làm sâu sắc thêm: Tính cấp thiết phải xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Đánh giá bước khởi đầu của quá trình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM. Nhận diện những thành tựu, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, qua đó, đề xuất các giải pháp sát hợp, mang tính chiến lược, góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý với gần 100 báo cáo khoa học, trong đó Ban tổ chức đã chắt lọc 82 tham luận để biên tập đăng vào kỷ yếu.
Tham luận tại hội thảo, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và kéo dài nhiều nhiệm kỳ. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh được đặt trong bối cảnh mới, với việc xác định quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu rõ ràng. Đây được xem là nhiệm vụ lâu dài nhưng cần phấn đấu để tạo điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, để thực hiện hiệu quả nội dung này, trước hết là xây dựng văn hóa, con người TP phát triển toàn diện gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
“Điều này đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân TPHCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Kết luận số 01 của Bộ Chính trị gắn với phẩm chất của người dân TPHCM. Đó là phẩm chất kiên cường, tiên phong, là năng động, sáng tạo, nghĩa tình gắn với việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình” – đồng chí Phạm Phương Thảo nhấn mạnh.
Đồng chí Phạm Phương Thảo cũng cho rằng, cần hoàn thành quy hoạch tổng thể không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM; đầu tư một số công trình gắn với Bác; Đẩy mạnh hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, phối hợp xây dựng các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp có nội dung về Bác; Triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng công trình, sản phẩm cụ thể tại các chi bộ, cơ quan, trường học. Kiên trì xây dựng nếp sống văn minh đô thị, ứng xử có văn hóa của người dân trong cộng đồng thấm sâu hơn nữa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Đồng chí Phạm Phương Thảo trình bày tham luận tại hội thảo TS. Nguyễn Văn Sáng (Đại học Kinh tế TPHCM) đưa ra giải pháp, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sống người dân; Cần xây dựng bộ tiêu chí về không gian văn hóa mang bản sắc TPHCM; Đa dạng hóa các hình thức hoạt động trong không gian văn hóa, chú trọng đến văn hóa phi vật thể; Quy hoạch không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Theo GS.TS Trần Ngọc Thêm (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM – Đại học Quốc gia TPHCM), cần tìm những nét cụ thể, đặc trưng của địa phương khi xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Để nâng cao chất lượng, lãnh đạo TP cần đầu tư trọng điểm chứ không dàn trải. Đồng thời, phải hiện đại hóa các công trình văn hóa, lịch sử hiện đại tiện lợi cho người dân khi đến với di tích lịch sử, văn hóa. TP cũng cần tập trung vào những đơn vị, ngành điển hình. Đổi mới hình thức thu hút nhân dân qua không gian mạng, trong đó cần tập trung đầu tư vào bảo tàng ảo, để ở đâu, lúc nào người dân nào cũng có thể vào xem và tìm hiểu học tập.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là động lực phát triển của thành phố mang tên Bác
Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu ghi nhận và đánh giá cao các bài viết tham luận của các tác giả tại hội thảo trong bối cảnh TPHCM đang chuẩn bị tổ chức hội nghị văn hóa; đồng thời TP cũng đang thận trọng khi thực hiện xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm sao thực chất đi vào lòng người, thể hiện tính tự giác, tự học của nhân dân. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận các tham luận đều tập trung đánh giá cao và khẳng định tính tất yếu của việc Đảng bộ TPHCM đề ra chủ trương xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP mang tên Bác Hồ. Chính vì vậy, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh có thể xem là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Do đó, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh chính là góp phần lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Các đại biểu chủ trì hội thảo Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cũng nhấn mạnh, một số tham luận tại hội thảo đã phân tích vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong việc phát triển văn hóa nói riêng và phát triển TPHCM nói chung. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được cho là động lực phát triển của TP mang tên Bác. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; gắn với xây dựng TP nghĩa tình, văn minh; Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Các ý kiến tham luận cũng khẳng định, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là giải pháp góp phần xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, “nói đi đôi với làm”. Trong đó, đáng chú ý là việc xây dựng, phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các trường học, từ bậc phổ thông đến đại học, bước đầu đã hình thành nên những mô hình văn hóa khá đặc sắc, có ý nghĩa thiết thực.
Quang cảnh hội thảo Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, nhiều tham luận đã đề xuất các giải pháp về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM, trong đó cần tiếp tục tập trung tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về mục đích, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Phải làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân phải hiểu đúng về không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Phát huy vai trò của các lực lượng của TP trong xây dựng, phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh, với sự dẫn dắt, định hướng, gương mẫu của các cán bộ, đảng viên. Trong đó, với quan điểm Nhân dân là chủ thể và là lực lượng thực hiện của các hoạt động, cần có giải pháp phù hợp để người dân đồng lòng, chủ động tham gia và có thể thụ hưởng được ngày càng nhiều các giá trị, lợi ích của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đồng thời, phát huy các thiết chế, mô hình về văn hóa – lịch sử trên địa bàn TP để vừa xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP, khai thác giá trị di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch; phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao giá trị các bảo tàng trên địa bàn TP. Phát huy ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông xã hội, trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh… để việc sử dụng không gian mạng lưu trữ, lan tỏa các giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Ngoài ra, một số tham luận đã nêu những lưu ý, những điều cần tránh trong quá trình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố, đó là tránh tình hình thức, phô trương, dàn trải... “Với những gợi mở về những giải pháp cũng như các lưu ý trong việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy sẽ chỉ đạo các tổ chức đảng, các địa phương, các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, vận dụng và triển khai thực hiện theo điều kiện thực tiễn của mình” – đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.