Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Võ sư Trương Ngọc Để tái đắc cử Chủ tịch Liên đoàn Teakwondo Việt Nam

Võ sư Trương Ngọc Để (thứ tư từ phải sang) giữ lần thứ 3 giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Teakwondo Việt Nam

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 19/8, tại TPHCM, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam (VTF) đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Kết quả, ông Trương Ngọc Để tái đắc cử chức danh chủ tịch VTF khóa VI.

Ban chấp hành VTF nhiệm kỳ VI vẫn giữ số lượng ủy viên là 21 người như nhiệm kỳ trước. Ông Trương Ngọc Để là võ sư duy nhất ở Việt Nam mang đai 9 đẳng của Viện hàn lâm Taekwondo thế giới (Kukkiwon), tiếp tục được các đại biểu tín nhiệm bầu làm chủ tịch nhiệm kỳ VI (2022-2026). Võ sư Trương Ngọc Để lần thứ 3 liên tiếp giữ chức danh này. Trước đó, ông đã giữ chức chủ tịch VTF liên tiếp 2 nhiệm kỳ IV (2013-2017) và nhiệm kỳ V (2017-2021).

Hai phó chủ tịch nhiệm kỳ V là Phạm Thế Triều và Hồ Châu Tuấn tiếp tục được tín nhiệm. Gương mặt mới là ông Nguyễn Thanh Huy, HLV trưởng đội tuyển quyền taekwondo Việt Nam, đồng thời là phó tổng thư ký kiêm chánh văn phòng VTF nhiệm kỳ V được bầu giữ chức Phó Chủ tịch. Một phó chủ tịch mới của VTF là ông Nguyễn Đăng Khánh, giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT TPHCM. Sự có mặt của cựu HLV trưởng đội tuyển đối kháng taekwondo Việt Nam như ông Nguyễn Đăng Khánh hứa hẹn sẽ đem đến bộ mặt tích cực hơn cho taekwondo Việt Nam trong thời gian tới.

Trong nhiệm kỳ V, thành tích nổi bật nhất của Taekwondo Việt Nam là giành HCV tại vòng loại Olympic châu Á (giành vé chính thức đến Olympic 2020), HCV giải vô địch châu Á 2021 hạng dưới 49kg của nữ võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền. Còn tại SEA Games 31 vừa qua, Taekwondo Việt Nam xếp nhất toàn đoàn với 9 HCV.

Việt Nam đăng cai 4 giải taekwondo châu Á

Ngay sau đại hội, VTF sẽ tổ chức 4 giải đấu châu Á tại Nhà thi đấu Quân khu 7, khai mạc vào ngày 22/8. Đó là các giải vô địch quyền thiếu niên châu Á lần 4, giải vô địch quyền trẻ châu Á lần 6, giải vô địch (đối kháng) thiếu niên châu Á lần 4 và giải vô địch (đối kháng) người khuyết tật châu Á mở rộng lần 7.

Ở nội dung quyền, với lứa tuổi trẻ sẽ có sự góp mặt của 59 quan chức, HLV cùng 121 VĐV đến từ 21 quốc gia, vùng lãnh thổ. Lứa tuổi thiếu niên sẽ có sự tham dự của 45 quan chức, HLV cùng 95 VĐV đến từ 11 nước. Nội dung đối kháng được xem là quan trọng đối với các nước vì đây sẽ là nội dung chính áp dụng tại sân chơi Olympic. Do đó với lứa tuổi thiếu niên, nội dung đối kháng tại giải sẽ có 121 quan chức, HLV và 213 võ sĩ đến từ 21 quốc gia. Trong khi đó, ở lứa trẻ, sẽ có 27 nước tham gia với 132 quan chức, HLV cùng 285 VĐV cùng về TPHCM tham dự. Ngoài ra, Giải Vô địch Taekwondo trẻ và thiếu niên châu Á lần thứ 4 năm 2022 cũng sẽ có nội dung thi đấu dành cho người khuyết tật mở rộng. Ở nội dung này, sẽ có 15 nước tham gia với 65 VĐV và 41 quan chức, HLV.

H. Nguyên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo