Thứ Năm, ngày 2 tháng 1 năm 2025

Vở kịch lịch sử về Tả quân Lê Văn Duyệt ra mắt chương trình Sân khấu Sử Việt học đường

Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng đầy cam go được thể hiện qua sự đối đầu giữa Tả quân Lê Văn Duyệt (Đình Toàn) và Huỳnh Công Lý (Đại Nghĩa)

(Thanhuytphcm.vn) - Tối 10/4, Nhà hát Kịch IDECAF công diễn vở kịch lịch sử Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử (kịch bản: Phạm Văn Quý, biên tập: Võ Tử Uyên, đạo diễn: Hoàng Duẩn), cũng chính thức ra mắt chương trình Sân khấu Sử Việt học đường của nhà hát Kịch IDECAF.

Sức hấp dẫn từ hình tượng lịch sử

Có thể nói Tả quân Lê Văn Duyệt là một trong những nhân vật lịch sử có sức hấp dẫn bậc nhất đối với người làm sân khấu. Hơn 10 năm qua, hình tượng vị tướng từng 2 lần giữ vị trí Tổng trấn thành Gia Định (1812 - 1816 và 1820 - 1832) này liên tục được đưa lên sân khấu với đủ các phiên bản kịch nói, hát bội lẫn cải lương. Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử của nhà hát Kịch IDECAF hiện là bản dựng thứ 6.

Vở được thực hiện từ kịch bản Người mang 9 án tử của tác giả Phạm Văn Quý. Năm 2008, Nhà hát Kịch TPHCM từng giới thiệu vở Tả quân Lê Văn Duyệt từ kịch bản này với NSND Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn, Hoàng Duẩn là trợ lý đạo diễn. Đến nay, Hoàng Duẩn đảm nhận vai trò đạo diễn của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử như một “cái duyên lớn”.

Hoàng Duẩn cho biết, qua quá trình gắn bó thực hiện vở cùng NSND Doãn Hoàng Giang ngày trước, anh đâm ra “mê” nhân vật lịch sử này - người có công rất lớn trong việc an định vùng đất phương Nam, đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài của thành Gia Định đến mãi về sau. Cũng chính Hoàng Duẩn đạo diễn vở cải lương Án tử - được chuyển thể từ kịch Tả quân Lê Văn Duyệt, đạt huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc 2020.

Vì thế, lần trở lại này cũng là một áp lực khi Hoàng Duẩn phải tự làm mới chính mình. “May mắn là tôi đã được sự hỗ trợ tối đa từ một đơn vị chuyên nghiệp như Nhà hát Kịch IDECAF. Tôi rất thích việc đơn vị chịu khó đầu tư về trang phục bám sát giai đoạn lịch sử triều Nguyễn mà vẫn mang tính thẩm mỹ sân khấu. Cùng với đó là dàn diễn viên giỏi nghề, trẻ trung, năng động và chịu khó với cách lý giải các vấn đề rất hiện đại. Việc mọi người cùng nhau bàn luận, phản biện rất kỹ về các chi tiết lịch sử trong vở đã giúp mình thêm tự tin” - đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ.

Đặc biệt, đạo diễn Hoàng Duẩn đã rất dụng tâm trong việc truyền tải cảm nhận về “không gian văn hóa Nam bộ xưa” đến khán giả thông qua âm nhạc truyền thống hát bội, dân ca Nam bộ xưa và nhất là điệu “nói thơ Bạc Liêu”.

Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử kể câu chuyện khá sát về công lao của Tả quân Lê Văn Duyệt với vùng đất Gia Định và Nam bộ qua việc an định vùng đất mới, trấn định biên cương, giao kết lân bang và đặc biệt là công cuộc bài trừ tham nhũng. Một trong những dấu ấn sâu sắc của Tổng trấn Lê Văn Duyệt với nhân dân Gia Định là xử tử Huỳnh Công Lý - giữ vị trí Phó Tổng trấn nhưng lại thâm lạm của công, vơ vét của dân, làm dân tình ta thán. Và như các tác phẩm cùng đề tài, giai thoại Tổng trấn Lê Văn Duyệt sử dụng quyền “tiền trảm hậu tấu” (được tiên đế ban cho) để chém Huỳnh Công Lý - cha Huệ Phi, tức “cha vợ” vua Minh Mạng - tiếp tục được khai thác đẩy cao trào kịch tính cho vở.

Thực tế, trong sử sách chính thống của triều Nguyễn, đây là một vụ án bình thường, được xử đúng quy trình. Không có ghi chép về việc Lê Văn Duyệt “vượt quyền” hay Huỳnh Công Lý là “cha vợ vua”. Tuy nhiên, trong dân gian lại lưu truyền rộng rãi câu chuyện ly kỳ này và trở thành chất liệu hấp dẫn cho người làm sân khấu. Phải chăng giai thoại ấy ra đời nhằm phản ánh nguyện vọng muôn đời của người dân về người lãnh đạo dám nghĩ dám làm, nêu cao tinh thần trừng trị thẳng tay những kẻ “sâu dân mọt nước” cho dù là “hoàng thân quốc thích”?

Khởi động Sân khấu Sử Việt học đường

“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của Nhà hát Kịch IDECAF cho biết, chương trình Sân khấu Sử Việt học đường là sự hợp tác giữa Nhà hát Kịch IDECAF với Nhà Văn hóa Thanh Niên TPHCM nhằm mang những tác phẩm sân khấu lịch sử chất lượng đến với học sinh - sinh viên TPHCM.

“Chúng tôi đã ấp ủ chương trình Sân khấu Sử Việt học đường từ lâu. Chương trình không chỉ giới thiệu những câu chuyện lịch sử qua kịch mà còn nhằm tạo không gian học tập, tìm hiểu lịch sử - văn hóa thông qua các yếu tố bối cảnh, phục trang, âm nhạc, đạo cụ… của vở diễn. Vì vậy, cách thể hiện cũng sẽ bám sát không gian lịch sử - văn hóa chứ không cách điệu theo thói quen thẩm mỹ sân khấu bấy lâu” - ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết.

Trước khi khởi động vở kịch lịch sử Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử, ê-kíp sản suất đã lặn lội ra Huế nghiên cứu, tìm kiếm các chất liệu phục vụ cho vở diễn. Sau đợt công diễn này, các tác phẩm tiếp theo đang được chuẩn bị là Thái sư Trần Thủ Độ - Anh hùng hay gian hùng?Nữ đại đế Động Đình - Mê Linh (về Hai Bà Trưng) cũng đều được đầu tư kỹ về trang phục, làm sao bám sát lịch sử nhất có thể (theo các tài liệu nghiên cứu để lại).

Vở diễn cũng khắc họa hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt của đời thường, gần gũi với nhân dân và được người dân Gia Định yêu kính Vở diễn cũng khắc họa hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt của đời thường, gần gũi với nhân dân và được người dân Gia Định yêu kính

Chia sẻ về kế hoạch tiếp cận khán giả học đường, ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết, hiện đã gửi lời mời đến các lãnh đạo, đại diện 100 trường trung học trên địa bàn TPHCM đến xem công diễn vở Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử.

“Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe những ý kiến góp ý để hoàn thiện tác phẩm, sắp xếp lịch diễn thuận lợi nhất cho việc hợp tác. Ngoài ra, cũng có chương trình hỗ trợ xe đưa rước học sinh các trường đến Nhà hát Thanh Niên (Nhà Văn hóa Thanh Niên TPHCM) xem vở” - ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết.

Ông Huỳnh Anh Tuấn cũng chia sẻ một thông tin đáng mừng là vở diễn đang nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả yêu thích kịch lịch sử khi số lượng vé bán ra cho 3 suất diễn đầu tiên (10, 21 và 28/4) rất khả quan, gần như lấp đầy khán phòng.

Vở Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử có sự tham gia của nhiều diễn viên được khán giả trẻ yêu thích, như: Đình Toàn (vai Lê Văn Duyệt), Đại Nghĩa (Huỳnh Công Lý), Hoàng Trinh (Đỗ Thị Phận), Hòa Hiệp (Lê Văn Khôi), Quốc Thịnh (Trương Tấn Bửu), Mỹ Duyên (Huệ Phi), Quang Thảo (vua Minh Mạng), Đông Hải (Bạch Xuân Nguyên)…

Minh Khang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo