Thứ Ba, ngày 1 tháng 4 năm 2025

Vĩnh biệt NSƯT Nguyễn Chánh Tín!

Trưởng Phòng Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lâm Hữu Đức viếng NSƯT Nguyễn Chánh Tín

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 6/1, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, đồng chí Lâm Hữu Đức, Trưởng Phòng Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, đã đến viếng NSƯT Nguyễn Chánh Tín và chia buồn cùng gia đình. Việc NSƯT Nguyễn Chánh Tín đột ngột ra đi ở tuổi 68 vào ngày 4/1 vừa qua đã để lại nhiều tiếc nuối cho người hâm mộ, đặc biệt là khán giả yêu mến bộ phim kinh điển “Ván bài lật ngửa” nói riêng và dòng phim điện ảnh cách mạng nói chung.

Từng là một ca sĩ, tài tử của màn bạc miền Nam trước năm 1975 nhưng Nguyễn Chánh Tín bắt nhịp và hòa nhập nhanh với nền điện ảnh cách mạng sau ngày đất nước thống nhất. Đạo diễn Lê Văn Duy – từng hợp tác với Nguyễn Chánh Tín qua bộ phim Tình đất Củ Chi (1978) mà ông giữ vai trò biên kịch – đánh giá Nguyễn Chánh Tín là gương mặt “sinh ra để đảm nhận vai chính” không chỉ vì sắc vóc, phong cách mà còn từ diễn xuất thu hút, đặc biệt là cơ mặt biểu cảm và ánh mắt có thần. Vì thế, Nguyễn Chánh Tín là lựa chọn ưa thích của nhiều đạo diễn cho đa dạng các hình tượng nhân vật trên màn ảnh.

Và nhắc đến Nguyễn Chánh Tín là phải nhắc đến vai diễn để đời của ông: Đại tá Nguyễn Thành Luân trong bộ phim kinh điển Ván bài lật ngửa (tác giả: Nguyễn Trương Thiên Lý, đạo diễn: Lê Hoàng Hoa) – bộ phim 8 tập sản xuất năm 1982 này là phim truyện nhựa dài tập đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Nguyễn Chánh Tín với nét diễn tinh tế, phong cách đĩnh đạc, trầm tư đã đưa hình ảnh người chiến sĩ tình báo Nguyễn Thành Luân – xây dựng từ hình tượng nguyên mẫu Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Thảo, một trong những huyền thoại tình báo của ta – khắc sâu trong lòng công chúng. Đến nay, Ván bài lật ngửa vẫn là một tác phẩm đỉnh cao, vẫn tiếp tục chinh phục các thế hệ khán giả trẻ. Đại tá Nguyễn Thành Luân vẫn là hình mẫu lý tưởng của người chiến sĩ cách mạng trên màn ảnh Việt. Vai diễn thành công đến nỗi không chỉ mang về cho Nguyễn Chánh Tín giải Nam Diễn viên xuất sắc Liên hoan phim Việt Nam lần VII (1985) và danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” mà sau này dù có thêm nhiều vai diễn ấn tượng cả ở lĩnh vực điện ảnh, truyền hình lẫn sân khấu nhưng khán giả vẫn nhớ đến và thường gọi luôn Nguyễn Chánh Tín là Nguyễn Thành Luân.

Đó cũng là sự ngưỡng mộ mà những diễn viên thế hệ sau như NSƯT Công Hậu dành cho những đàn anh như NSƯT Nguyễn Chánh Tín và các diễn viên cùng thời với ông – một thế hệ diễn viên làm nghề vô cùng chuyên nghiệp, luôn nghiêm túc và thực sự “sống” trong từng vai diễn.

Ngoài ra, NSƯT Nguyễn Chánh Tín cũng là một trong những người tiên phong làm phim xã hội hóa với việc thành lập Hãng phim Chánh Phương, thực hiện bộ phim Dòng máu anh hùng mở ra hướng đi mới cho phim hành động Việt Nam.

Tang lễ NSƯT Nguyễn Chánh Tín diễn ra tại nhà riêng: Lô C1, chung cư Belleza, đường Phạm Hữu Lầu, phường Phú Mỹ, Quận 7. Lễ động quan và đưa đi hỏa táng diễn ra vào 6 giờ ngày 8/1.

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo