Thứ Hai, ngày 11 tháng 12 năm 2023

Về yêu cầu “hạnh phúc” của nhân dân

Ảnh minh họa (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Ba thành tố quan trọng cũng đồng thời là các mục tiêu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời từ năm 1945 là “độc lập”, “tự do”, “hạnh phúc”. Độc lập và tự do thì chúng ta cơ bản đã có, còn hạnh phúc vẫn là một hành trình tìm kiếm rất dài, bởi hạnh phúc không phải là một điểm đến mà là một quá trình và khi đạt được cột mốc nào đó có thể coi là hạnh phúc thì thực tiễn đòi hỏi có một cột mốc khác, cứ như vậy không bao giờ dừng lại.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có khoảng 10 lần nhắc đến từ “hạnh phúc”, chẳng hạn “lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”, “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”, “thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”, “thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân”, “vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc”… Đây là một quan điểm rất nhân văn và là một định hướng rất tiến bộ của Đảng ta.

Trong khi đó, Báo cáo chính trị của Đại hội XII chỉ có 4 lần nhắc đến từ “hạnh phúc”, phần lớn có nội hàm khá hẹp, chủ yếu chỉ hạnh phúc của cá nhân, của gia đình, chưa thực sự nâng tầm thành hạnh phúc của nhân dân, của đất nước.

Từ điển tiếng Việt giải thích: Hạnh phúc là: (1) trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện (danh từ); (2) có hạnh phúc, được hưởng hạnh phúc (tính từ).

Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam định nghĩa: khái niệm chỉ trạng thái con người thỏa mãn với cuộc sống đầy đủ và có ý nghĩa của mình. Hạnh phúc là một khái niệm có tính chất đánh giá, gắn liền với nhân sinh quan, tức là quan niệm về cuộc sống phải như thế nào, cái gì là niềm vui trong cuộc sống; hạnh phúc là hình thức cảm tính của lý tưởng, lý tưởng nói lên khát vọng của con người, còn hạnh phúc là sự thỏa mãn khát vọng ấy… Nguồn gốc của hạnh phúc là sự phát triển đầy đủ và sự phát huy tất cả năng lực sống của con người trong hoạt động sáng tạo nhằm phục vụ con người. Đấu tranh cho tiến bộ xã hội, vì tương lai tươi sáng hơn  của  loài người, chính là ý nghĩa cao cả của cuộc sống, đem lại cho con người sự thỏa mãn sâu sắc và cảm giác về hạnh phúc.

Từ các cách hiểu đó, ta có thể thấy, hạnh phúc gắn liền với các thỏa mãn về vật chất lẫn tinh thần của con người; hạnh phúc là một trong những mục tiêu và động lực của xã hội loài người; đồng thời, hạnh phúc của cá nhân nhìn chung gắn liền với hạnh phúc của cộng đồng, xã hội, cũng như hạnh phúc của cộng đồng, xã hội, đất nước là tiền đề và cơ sở quan trọng để tạo ra hạnh phúc cá nhân.

Hạnh phúc của từng cá nhân, ở từng thời điểm, trong từng không gian khác nhau thì có đòi hỏi khác nhau. Ở một xã hội mà vai trò cá nhân ngày càng được đề cao thì đòi hỏi về hạnh phúc cũng ngày càng đa dạng, phức tạp, cũng có nghĩa là ngày càng khó được đáp ứng. Điều đó cũng có nghĩa là hạnh phúc của cộng đồng, của xã hội cũng có những yêu cầu cao hơn, việc vươn tới cũng không dễ dàng gì.

Tuy nhiên, nếu nói hạnh phúc là sự thỏa mãn các nhu cầu thì không phải chỉ có giàu có về vật chất chúng ta mới có hạnh phúc. Chẳng hạn, trong thời gian cao điểm diễn ra dịch Covid-19, tại TPHCM và nhiều địa phương, gần như tất cả mọi người đều ở trong trạng thái hoang mang, lo lắng, căng thẳng, không chỉ cho bản thân mà còn cho người thân, cho cộng đồng. Khi ấy, sự đồng hành, chăm lo của các cấp chính quyền, sự sẻ chia, giúp đỡ của người dân với nhau đã đem lại hạnh phúc cho rất nhiều người. Hay trong cơn bệnh ngặt nghèo, sự cứu chữa kịp thời, sự động viên ấm áp… đã đem lại niềm tin và sức mạnh để vượt qua nguy hiểm, đó cũng là một trạng thái hạnh phúc, của bản thân người bệnh và gia đình họ. Hoặc giữa lúc dịch phức tạp, một số người đã liều mình tham gia các hoạt động tình nguyện để chia sẻ khó khăn với đồng bào, được góp chút sức lực và tiền của nhằm hỗ trợ nhiều người có thêm động lực chiến thắng dịch bệnh; với họ, nghĩa cử ấy đem lại cho họ niềm hạnh phúc vì đã góp phần công sức của mình vào nỗ lực chung của toàn xã hội…

Yếu tố vật chất có vai trò quan trọng nhưng các giá trị về tinh thần cũng rất cần thiết để tạo ra hạnh phúc, như các quyền tự do, dân chủ, các nhu cầu về văn hóa, văn minh, các đáp ứng về sự thừa nhận hay tôn trọng… đều có ý nghĩa tạo ra cảm nhận hạnh phúc.

Hạnh phúc là một phạm trù luôn biến thiên và không đồng nhất giữa các đối tượng. Trong lúc dịch cần có các nhu yếu phẩm là hạnh phúc, nhưng sau dịch thì phải được đi làm việc, có thu nhập để trang trải nhiều nhu cầu khác và thể hiện năng lực, sự đóng góp của bản thân mới là hạnh phúc. Một số người hôm qua chỉ cần có chỗ trọ đơn giản, ở ghép với ai bất kỳ, quen với những thói hư tật xấu của hàng xóm thì hôm nay có thể cần phải có nhà riêng, có không gian phù hợp, giữa một cộng đồng sống chan hòa, gần gũi mới là hạnh phúc. Một người hay có nhu cầu được quan tâm, được đáp ứng nhưng có lúc lại thấy cần được cống hiến, được phục vụ cho xã hội thì mới thấy hạnh phúc…

Ở một đất nước, một xã hội, nếu càng có nhiều người cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình thì mức độ hạnh phúc càng cao. Trái lại, nếu còn nhiều vấn đề khiến người dân bức xúc thì rõ ràng xã hội đó cần phải tiếp tục được điều chỉnh, cải tiến để mức độ thỏa mãn của người dân được nâng cao. Do đó, Đảng và Nhà nước phải luôn quan tâm đến nhu cầu về hạnh phúc của từng nhóm đối tượng, từng bối cảnh, từng thời điểm… và có biện pháp đáp ứng phù hợp. Trong đó, rất cần sự gợi mở, tạo điều kiện, thúc đẩy cho mỗi người chủ động tìm hạnh phúc của riêng mình gắn với hạnh phúc chung của cộng đồng, của xã hội.

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo