Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Ứng dụng công nghệ và các tiến bộ KHCN trong giải quyết các vấn đề của vùng và từng địa phương

PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại Hội nghị.

(Thanhuytphm.vn) – Ngày 24/12, tại TPHCM, Bộ Khoa học – Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị thường niên về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) và nguồn nhân lực.

Đến dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH-CN; Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM…

Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ĐMST

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian tới, Bộ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về KHCN và ĐMST. Cùng với đó là thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ĐMST như là cầu nối để KHCN phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tạo bứt phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.

Một trong những nội dung khác là thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có khả năng ứng dụng cao.

Song song đó là thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KHCN gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, trong đó chú trọng lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN. Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về KHCN và ĐMST nhằm phát huy thế mạnh của Việt Nam và huy động tối đa nguồn lực quốc tế.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, năm 2022, Đại học Quốc gia TPHCM đã đạt được một số kết quả quan trọng trong lĩnh vực KHCN. Trong đó đơn vị công bố quốc tế hơn 1.900 bài báo, là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng công bố. Cùng với đó đơn vị có 2 bằng phát minh sáng chế được Hoa Kỳ cấp. Nhiều nhà khoa học Đại học Quốc gia TPHCM có hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nổi bật, đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế…

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi, đề xuất các giải pháp phát triển KHCN và ĐMST và nguồn nhân lực. TS Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH-CN địa phương Bộ KH-CN chia sẻ, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng và phát triển KHCN và ĐMST. Trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện ở địa phương cũng như các vùng  kinh tế.

Theo TS Chu Thúc Đạt, các vùng kinh tế trọng điểm đều có thị trường công nghệ năng động và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo giàu tiềm năng, nhất là địa bàn Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, có sức hút đầu tư rất lớn về phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và dịch vụ với các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao đóng vai trò hạt nhân lan tỏa và thúc đẩy sự phát triển của vùng dựa trên công nghệ và ĐMST.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Phát huy vai trò đầu tàu của hai trung tâm KHCN hàng đầu

Bên cạnh những tiềm năng lợi thế về phát triển KHCN và ĐMST và nguồn nhân lực, TS Chu Thúc Đạt cho rằng, với cơ hội rất lớn, nhưng các kết quả và tác động của KHCN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng kinh tế trọng điểm và các đô thị lớn trong vùng còn chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những khó khăn hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng người lao động, năng suất lao động còn thấp. Ngoại trừ Hà Nội và TPHCM và các tỉnh cận kề hai đô thị lớn này, hầu hết các tỉnh, TP đều đối mặt với sự thiếu hụt cán bộ trình độ cao chủ trì các công trình nghiên cứu tầm quốc gia để giải quyết các vấn đề lớn của địa phương. Nhân lực KHCN làm việc trong doanh nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, trình độ chuyên môn chưa cao, thiếu công nhân kỹ thuật tay nghề cao làm hạn chế năng lực tiếp thu, làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, đầu tư cho KHCN của các tỉnh, TP chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng phát triển. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn yếu.

Riêng với Đại học Quốc gia TPHCM, PGS.TS Vũ Hải Quân chia sẻ, Đại học Quốc gia TPHCM hiện đang phải đối diện 5 thách thức. Trong đó, đầu tư chưa thực sự trọng tâm trọng điểm, nhất là việc xây dựng các chương trình nghiên cứu phục vụ phát triển của vùng, phát triển đất nước còn dàn trải. Chính sách chưa thực sự thúc đẩy ĐMST, khởi nghiệp cho sinh viên, cho thầy cô giáo (ví dụ như cho phép các thầy cô giáo mở các doanh nghiệp khởi nguồn). Cùng với đó là chưa phát huy được hết vai trò của hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, nhất là các đối tác chiến lược bao gồm các trường đại học lớn, các doanh nghiệp lớn của các nước phát triển…

Bàn về các giải pháp về phát triển KHCN và ĐMST và nguồn nhân lực, một số ý kiến cho rằng, các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm cần phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của KHCN và ĐMST cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn như hai đột phá chiến lược. Phát huy vai trò đầu tàu và ảnh hưởng lan tỏa của hai trung tâm KHCN hàng đầu là Hà Nội và TPHCM.

TS  Chu Thúc Đạt nhấn mạnh đến việc tăng cường năng lực hấp thụ, khai thác, ứng dụng công nghệ và các tiến bộ KHCN trong giải quyết các vấn đề của vùng và từng địa phương. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI trong vùng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nội địa, hợp tác với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ, tiến tới thành lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm (các viện, trường, doanh nghiệp) trong chuỗi giá trị, khai thác tiềm năng và phát triển các sản phẩm đặc thù có thế mạnh của vùng.

Cùng với đó là hình thành hệ thống ĐMST vùng với các liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp trong vùng. Phát huy vai trò hạt nhân lan tỏa của các khu công nghệ cao Hòa Lạc, TPHCM và Đà Nẵng, vai trò đầu tàu của hai viện hàn lâm, hai đại học quốc gia và các trường đại học, trong cung cấp tri thức, giải pháp công nghệ, chuyên gia và đào tạo nhân lực trình độ cao cho địa phương.

Về nhân lực cần chú trọng phát triển, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và chất lượng nguồn nhân lực địa phương bao gồm cả đội ngũ cán bộ khoa học và quản lýKHCN, cán bộ kỹ thuật và quản trị công nghệ ở các doanh nghiệp và kỹ năng người lao động.

Ng. Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo