Lênin từng khẳng định rằng: "Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao, tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình”. Có lẽ vì vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến tự phê bình và phê bình. Trong bài giảng đầu tiên cho lớp cách mạng ở Quảng Châu, Trung Quốc từ năm 1927 với tiêu đề "Tư cách một người cách mệnh", lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đích thân soạn bài và đứng lớp. Trong bài giảng này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra 23 tư cách của một người cách mạng, trong đó có nội dung là yêu cầu mỗi người cách mạng phải “cả quyết sửa lỗi mình”.
Trong rất nhiều trước tác của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tự phê bình và phê bình. Tháng 10/1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở vào giai đoạn gay go, quyết liệt, khi thực dân Pháp quyết nhảy dù xuống căn cứ địa để bắt toàn bộ cơ quan đầu não của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc”. Ngay trong mục đầu tiên của cuốn sách, Người đã bàn về vấn đề phê bình và sửa chữa. Nếu tìm hiểu kỹ bối cảnh lịch sử lúc ấy, đặc biệt là trong hồi ký của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe thấy rằng, những biểu hiện mất đoàn kết đã xuất hiện trong bộ máy các cơ quan Trung ương khi ấy. Có lẽ vì vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn về mục đích của việc phê bình là: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Từ mục đích phê bình, Người chỉ ra cách thức phê bình: “Phê bình mình cũng như phê bình người, phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, thâm độc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”. Đây thật sự là quan điểm nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi với quan điểm này, Người đã đi trước thực tiễn rất xa. Đến Di chúc, Người cũng không quên dặn lại trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hiện tự phê và phê bình: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá những hạn chế của tự phê bình và phê bình hiện nay là: “Không ít nơi còn hình thức, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”. Đây có thể xem là một đánh giá khá thẳng thẳn và đã nhìn thẳng vào sự thật.
Trong thực tế việc tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi hiện nay được thực hiện mang tính hình thức, không có tính chiến đấu cao và thường kiểu “dĩ hòa vi quý”, đó chính là hạn chế mà các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra. Trong thực tế ở nhiều tổ chức đảng hiện nay, đa phần các buổi phê bình, tư phê bình thường là “nhất trí cao”.
Cũng vậy, mục đích của kiểm tra, giám sát của Đảng là để chỉ ra ưu, khuyết điểm và khuyến cáo việc khắc phục các khuyết điểm. Vì vậy, trong kiểm tra và giám sát việc đánh giá những ưu điểm mà cấp ủy, tổ chức đảng là đối tượng của kiểm tra, giám sát là phù hợp. Tuy nhiên, nếu chỉ thiên về đánh giá ưu điểm mà không chỉ ra, hoặc chỉ ra rất ít khuyết điểm và cách khắc phục thì cũng chưa đạt mục đích đề ra. Nếu tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng được kiểm tra đều tốt như vậy thì liệu có cần các cuộc kiểm tra?
Phàm đã là con người, phàm đã làm việc thì ắt hẳn có sai sót. Cũng vậy, đã là con người thì hẳn nhiên có những “hỉ nộ ái ố” thường tình của con người, vì vậy, người xưa đúc kết và căn dặn “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Vậy nên, đối với tự phê bình và phê bình trước tiên là phải thành thật nhận ra khuyết điểm của mình. Tiếc thay nhiều người lại không nhận ra chân lý đơn giản ấy. Vậy nên nếu thật sự ai đó chỉ ra thì thường vấp phải những cãi vã, xung đột…
Để thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện nay, cần thực hiện tốt những giải pháp.
Một là, các cấp ủy đảng phải thấm nhuần thật sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phê bình việc chứ không phê bình người. Cần thống nhất nhận thức đồng thuận trong mỗi cấp ủy là tự phê bình và phê bình là để nhận ra khuyết điểm, hạn chế của bản thân; chỉ ra khuyết điểm, hạn chế của đồng chí mình và tìm các biện pháp để khắc phục chứ không phải lợi dụng tự phê bình, phê bình để “bới lông, tìm vết”, để hạ bệ lẫn nhau.
Hai là, nhận thức sâu sắc về vai trò và những đặc tính của tự phê bình và phê bình trong Đảng; xác định đúng nội dung, lựa chọn đúng nội dung, hình thức và phương pháp tự phê bình và phê bình. Theo đó, nội dung tự phê bình, phê bình cần phê phán những quan điểm, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Phê bình những biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, tham ô, lãng phí, vô trách nhiệm, vô kỷ luật. Phương pháp tự phê bình và phê bình phải cứng rắn về nguyên tắc nhưng mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành. Trong phê bình phải tế nhị, không dùng các phương pháp hành chính, mệnh lệnh.
Ba là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và cơ quan theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, đề cao trách nhiệm báo cáo và giải trình để tạo không khí thật sự dân chủ trong tổ chức. Tiến hành đồng bộ tự phê bình và phê bình với việc thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.
Bốn là, thực hiện nghiêm chế độ, quy định về tự phê bình và phê bình, đưa tự phê bình và phê bình thành nền nếp thường xuyên trong các cuộc họp chi bộ, trong sinh hoạt Đảng. Đối với những người nếu có khuyết điểm, sau khi tự phê bình và bị phê bình cần có kế hoạch và báo cáo cụ thể thời gian và biện pháp khắc phục.
Năm là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định số 1374-QĐ/TW ngày 1 tháng 12 năm 2017 của Thành ủy TPHCM về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kịp thời làm rõ các thông tin phản ánh của người dân. Tất cả các thông tin phản ánh có cơ sở xác định cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chức trách, nhiệm vụ được giao, làm ảnh hưởng đến tổ chức, người dân phải nhanh chóng chỉ đạo xem xét và xử lý nghiêm minh.
Sáu là, xử lý kiên quyết, thích đáng những người lợi dụng phê bình để vu khống, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ và trả thù cá nhân. Lên án và đấu tranh với các hành vi lợi dụng phê bình để đấu đá trong nội bộ…
Từ cả lý luận và thực tiễn, việc thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình sẽ giúp mỗi đảng viên nhận rõ ưu, khuyết điểm của mình và chỉ ra ưu khuyết điểm của đồng chí để cùng nhau sửa đổi để tốt hơn. Mỗi đảng viên tốt sẽ xây dựng thành chi bộ tốt, các chi bộ tốt sẽ giúp đảng bộ tốt, cứ như vậy thì Đảng sẽ trong sạch, vững mạnh. Tự phê bình và phê bình là một trong 5 nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu tất cả đảng viên học, hiểu và thực hành đúng như những nội dung căn bản của nguyên tắc tự phê bình và phê bình sẽ góp phần quan trọng cho việc xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.