Thứ Năm, ngày 9 tháng 1 năm 2025

Từ nơi ấy Người ra đi

Phóng viên, biên tập viên báo chí TP nghe giới thiệu về khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - 1. Quê hương Bác Hồ được các sách xưa như Hoan Châu ký (dòng họ Nguyễn Cảnh), Nghệ An ký (Bùi Dương Lịch), rồi Đại Nam nhất thống chí (Quốc sứ quán Triều Nguyễn) đều ghi “Xứ nghệ đất cằn cỗi, dân nghèo, nhưng tinh thần nhẫn nại, chịu gian khổ, lấy sự cần kiệm tiết ước lâm đầu”. Còn Làng sen của Bác ngày xưa thì “đóng khố thay quần; ít cơm, nhiều cháo, tảo tần quanh năm”.

Nhưng nơi đây 9 kỳ thi hương (1635 đến 1890) làng Kim Liên và Hoàng Trù (xã Chung Cự) có 83 người đỗ đạt trở thành ông Tú, ông Cử[1]. Quả thật, đất thì sỏi đá, người thì trí tuệ! Sinh ra và lớn lên ở một miền quê như vậy, dù chỉ khoảng 15 năm ở cả quê nội và quê ngoại, ngay từ thời niên thiếu, Nguyễn Sinh Cung đã cảm nhận được cảnh ngộ và truyền thống của quê hương. Bởi từ người dân thường đến bậc vĩ nhân thì quê hương là nguồn cội, gốc rễ bền chặt, là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ gắn với tự hào truyền thống, tinh thần tự tôn dân tộc.

Từ thuở nhỏ, lúc đã được học chữ, Nguyễn Sinh Cung thường được theo cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc đi thăm nom các bậc Nho gia, các nhà yêu nước trong quê hay sang Đức Thọ, Hà Tĩnh, ra Diễn Châu, Yên Thành, có khi ra tận ngoài Bắc. Tuổi 14-15, Nguyễn Sinh Cung đã chứng kiến rất nhiều cảnh sống đọa đày của nhân dân. Bao cảnh tang tóc của nhiều gia đình, làng xóm do thực dân gây ra, bao đọa đày, tủi nhục do cuộc đời nô lệ đưa lại. Cảnh nghèo túng, bần hàn, thiếu trước hụt sau của gia đình cũng như bà con, quê hương đã gieo vào lòng người thanh niên mẫn cảm lòng thương dân, yêu nước. Nguyễn Sinh Cung đã nghe kể về truyền thống đánh Tây của quê hương, như phong trào của cụ Tú Vương Thúc Mậu dựng cờ Cần Vương ở núi Chung, gương hy sinh dũng cảm của Nguyễn Sinh Quyền tại làng Kim Liên. Rộng hơn là truyền thống của vùng Nghệ Tĩnh, như Nghi Xuân với Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ; Đức Thọ với Phan Đình Phùng, Phan Trọng Mưu; Can Lộc với Nguyễn Huy Tự; Nam Đàn với Nguyễn Đức Đạt, Phan Bội Châu, và xa hơn là vùng Thượng nguồn sông Cả, nơi có căn cứ địa của Lê Lợi trong kháng chiến chống quân Minh, có thành Bình Ngô, có ải Khả Lưu, có trận Trà Lân, có núi Bồ Tát…

Sinh ra và lớn lên trong vùng “địa linh nhân kiệt” đó, lại có trí thông minh mẫn cảm tuyệt vời, với nghị lực phi thường, trong Nguyễn Sinh Cung đã sớm nảy nở lòng yêu nước với những tinh hoa của xứ sở, những trăn trở khổ đau thời cuộc, những căm ghét uất giận của người dân nô lệ, những ước mơ, khát khao… Tình cảm yêu nước thương dân, khao khát nước được độc lập, nhân dân được hạnh phúc được bắt nguồn từ quê hương xứ Nghệ đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành khi lớn lên đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, dẫn đến ngày 5/6/1911, ngày khởi đầu của cuộc trường chinh 30 năm khám phá thời đại đã tìm ra con đường “đánh đuổi thực dân, giải phóng đồng bào” của một vĩ nhân - Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

2. Bác Hồ sinh ra trong một gia đình trí thức có truyền thống yêu nước, đã được giáo dục, hình thành lòng thương yêu đồng bào từ thuở ấu thơ. Trong gia đình, Nguyễn Sinh Cung được ông bà ngoại – Nhà nho Hoàng Xuân Đường, cha mẹ - Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan, được anh chị, họ hàng thương yêu, dưỡng dục. Chính gia đình là cái nôi nuôi dưỡng Nguyễn Sinh Cung hình thành nhân cách một người thương dân, yêu quê hương đất nước.

Trong đó, người có tác động trực tiếp và to lớn, tạo nên quyết chí ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Cụ là người cha hết lòng thương con, tính toán chỉn chu, thấu đáo trong việc giáo dục cho con, từ học chữ để có tri thức, đến môi trường sống để có hiểu hết về thời cuộc, từ đó hình thành nhân cách, tư tưởng. Cụ Phó Bảng là người mẫu mực về nhân cách, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ; là tấm gương về lòng yêu nước thương dân. Chính Cụ là người đã gieo đắp ý chí, nghị lực, hình thành trách nhiệm trước vận mệnh của dân tộc cho Nguyễn Sinh Cung để có ngày lịch sử 5/6/1911. Cụ là người đã kiến tạo nên lộ trình chuẩn bị hành trang cơ bản cho cuộc hành trình vĩ đại 30 năm của Nguyễn Ái Quốc khắp 5 châu bốn biển.

Trước hết là thận trọng, cân nhắc, suy nghĩ chỉn chu trong việc học hành của Nguyễn Sinh Cung. Học với ai, lúc nào, ở đâu… nhằm để trang bị tri thức và định hình, rèn luyện nhân cách, ý chí, bản lĩnh. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX dù đã là “cuối mùa” song các Nho gia, sỹ phu vẫn là lực lượng trí thức yêu nước tiêu biểu lúc bấy giờ. Nguyễn Tất Thành được người cha cho học chữ Hán với nhà nho Hoàng Phan Quỳnh, Vương Thúc Quý, Trần Thân. Đó là những thầy giáo có tinh thần yêu nước, thương dân, luôn trăn trở về thời cuộc, về vận mệnh đất nước. Nguyễn Tất Thành không những trực tiếp thâu nhận được kiến thức quốc văn, quốc sử qua Hán học mà còn thẩm thấu nhiều “chuyện đời”, “chuyện thời cuộc” khi nghe các thầy và các sỹ phu yêu nước trao đổi, bình luận với biết bao trăn trở, day dứt và những bế tắc…

Như trên đã nói, Nguyễn Tất Thành thường được cụ Nguyễn Sinh Sắc sau khi đỗ Phó bảng dắt theo trong những cuộc giao du với nhiều sỹ phu yêu nước để bàn luận hiện tình đất nước, những bế tắc của thời cuộc. Xung quanh bàn trà, bàn rượu, các nhà nho, nhà giáo, những sỹ phu yêu nước trao đổi, bàn luận về thời cuộc với tình cảm thương dân, thương nước thiết tha trong tâm trạng bế tắc, không biết làm sao để cho dân đỡ khổ, để đánh đuổi Tây, giải phóng dân tộc… Được nghe cha và các bậc cao niên bàn luận về thời cuộc, về tình hình đất nước và trải qua những gì đã tận mắt chứng kiến, đã biết về đời sống của người dân ở quê hương và ở những nơi đặt chân đến, Nguyễn Tất Thành không ngừng suy nghĩ, ngày đêm nung nấu, day dứt tâm can về những điều các bậc cha chú đau đáu khôn nguôi.

15 tuổi, Nguyễn Tất Thành được cha cho vào học trường Tây. Với vốn Hán học khá tốt, Nguyễn Tất Thành cũng đã tiếp cận với văn minh Tây Phương trước khi học chữ Tây, qua các tài liệu chữ Hán như Tân Thư, Tân Văn. Khi được học tiếng Pháp, những từ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” đánh vào tâm trí Nguyễn Tất Thành. Chưa hiểu được nội dung, ý nghĩa của những từ hấp dẫn đó, Nguyễn Tất Thành hỏi Cha. Cụ Phó bảng cho hay, đó cũng chính là điều “chính bọn cha đang muốn biết… Đó chính là ba cái đích của cuộc Đại cách mạng Pháp, nhưng đến giờ này chúng ta vẫn chưa hiểu được”. Lời cha nói như một gợi mở, thôi thúc quyết chí tìm cho kỳ được. Nguyễn Tất Thành khát vọng “muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn náu đằng sau những từ ấy”, muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào mình.

Các thành viên trong đoàn chụp ảnh lưu niệm quê ngoại của Bác tại làng Hoàng Trù. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) Các thành viên trong đoàn chụp ảnh lưu niệm quê ngoại của Bác tại làng Hoàng Trù. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Tâm nguyện ấy càng được nung nấu khi xã hội Việt Nam thời thanh niên của Bác Hồ - cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đang đặt ra yêu cầu cấp bách: làm gì để cứu nước, cứu dân và bằng con đường nào? Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã hướng Nguyễn Tất Thành phân tích, nhìn nhận các phong trào yêu nước đã có, các con đường cách mạng mà các bậc tiền nhân đã đi và kết cục của nó ra sao, từ đó suy nghĩ về bước đường mới của mình. Phong trào Cần Vương thể hiện lòng yêu nước, không can tâm làm nô lệ của người dân nước Việt dưới sự lãnh đạo của các sỹ phu yêu nước, nhưng cuối cùng đã thất bại. Phong trào nông dân Yên Thế, phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân Hội thể hiện các chủ trương, đường lối cứu nước đầu thế kỷ XX cũng đang bế tắc, chia rẽ chí hướng và lòng người. Vừa tham gia phong trào đấu tranh của nông dân Trung Kỳ năm 1908, vừa tìm hiểu về tính thời đại qua các tác phẩm “tân thư”, “tân văn”, Nguyễn Tất Thành tỏ ra minh mẫn và nhạy cảm, biết phân tích lựa chọn độc lập, chính xác, phù hợp với xu hướng thời đại. Phong trào Yên Thế dù dựa vào núi rừng, kiên trì với thế “thủ hiểm” nhưng rồi cũng sẽ kết thúc như khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng. Phong trào Đông Du có lúc phát triển rất cao, nhưng “ngoại bang” trước sau vẫn là “ngoại bang” ai thương cho dân tộc mình. Còn phong trào “khai dân trí”, “chấn dân khí” trong khuôn khổ xã hội thuộc địa của chủ nghĩa thực dân làm sao kẻ thù dân tộc lại có sự độ lượng, thương xót dân ta để lo “dân sinh” được. Chính vì vậy mà Nguyễn Tất Thành đã hướng đến tìm một con đường cứu nước mới, một giải phóng mới cho quê hương – đi tìm “tự do, bình đẳng, bác ái” ở các nước cách mạng Châu Âu để trở về cùng đồng bào trong nước tự đem sức mình làm nên những điều ấy. Quyết định quan trọng của Nguyễn Tất Thành đầy lòng thương dân, yêu nước, nhiệt tâm, nghị lực phi thường, ý chí mãnh liệt trong việc ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước từ 5/6/1911 được nung nấu, hình thành từ tình thương và công ơn dạy dỗ của gia đình, trực tiếp là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Dù sinh sống cùng người Mẹ - bà Hoàng Thị Loan không lâu, nhưng đức độ, tấm lòng người Mẹ đối với việc hình thành nhân cách và ý chí Nguyễn Tất Thành khá rõ nét. Sống trong cảnh nghèo túng, vất vả với người Mẹ nhân hậu, đặc biệt là lúc một mình cơ cực vượt qua cơn hoạn nạn ở Huế khi Cha vắng nhà, ông bà ở xa, dù mới 10 tuổi đã phải đơn côi một mình lo tang Mẹ trong quy định ngặt nghèo của Đại Nội Huế, rồi ngày ngày phải đi xin sữa, xin cháo nuôi em sơ sinh, được sự giúp đỡ của bà con và người đồng hương xứ Nghệ trên đất Huế, Nguyễn Sinh Cung vừa thương mẹ da diết, vừa thấm sâu tình làng, nghĩa xóm, lòng dân, nghĩa đồng bào. 

Dù chỉ sống với ông bà ngoại – thầy giáo Hoàng Xuân Đường ở Hoàng Trù có 3 năm (1890 – 1893) nhưng trong những năm tháng đầu đời ấy qua những câu chuyện giản dị, những lời khuyên ân tình, những điệu hò ví dặm… mà ông ngoại đã đọc, đã hát đã tác động lớn đối với việc hình thành nhân cách của Nguyễn Sinh Cung. Ông ngoại, bà ngoại và cả người dì cùng người mẹ đảm đang đã thổi vào tâm hồn bé Cung tình thương yêu con người, lòng nhân hậu bao la. Lịch sử không có chữ “nếu”, song dường như ai ai cũng nghĩ về một vận may. Nếu không có tình thương con trẻ, không có đôi mắt tinh tường của Cụ Tú Hoàng Xuân Đường thì làm sao có Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, làm sao có nhà ở, có cuộc sống hạnh phúc của gia đình Cụ ở Hoàng Trù, từ đó sinh ra một bậc vĩ nhân.

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ khởi đầu cuộc trường chinh vĩ đại tìm đường cứu nước, tỏ lòng biết ơn vô hạn, công lao trời biển của Người, chúng ta luôn trân quý, tạ ơn gia đình nội ngoại của Bác Hồ ở quê hương Xứ Nghệ - những người khởi nguồn, có công đầu tiên dệt nên tâm hồn, nhân cách và trí tuệ vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

 

PGS.TS Phan Xuân Biên

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương,

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

_________________________

[1] Theo GS.Trần Văn Giàu (2010). Hồ Chí Minh – Chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại. NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Tr.110.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo