Thứ Tư, ngày 8 tháng 1 năm 2025

Giám sát cần góp phần thay đổi thực chất trong bảo vệ môi trường

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 7/1, tiếp tục thực hiện chương trình phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.

Trình bày một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó trưởng đoàn Thường trực đoàn giám sát cho biết, mục đích của việc giám sát là xem xét, đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường; việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, đoàn giám sát đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp (xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường và tổ chức thực hiện) để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Về nội dung giám sát, đoàn giám sát tập trung vào các nội dung gồm việc ban hành, hoàn thiện và tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, với việc ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đoàn sẽ đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường; đánh giá kết quả xây dựng, ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; việc lập và thẩm định Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.

Với việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đoàn sẽ đánh giá việc việc lập, thẩm định, phê duyệt đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong các quy hoạch, công tác đánh giá đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; hoạt động kiểm soát ô nhiễm gồm kiểm soát nguồn ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường (chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường không khí); chống ngập úng ở các đô thị. Cùng với đó là việc quản lý chất thải (quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý nước thải đô thị, quản lý chất thải trong hoạt động nông nghiệp, y tế và xây dựng); công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát rất “nóng”, rất “trúng” và “đúng”, phản ánh nguyện vọng của cử tri và nhân dân về bảo vệ môi trường. Đoàn giám sát cần bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đối chiếu thực tế với các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường cho giai đoạn 2021 – 2025. Chủ tịch Quốc hội đề nghị đoàn giám sát nghiên cứu, giám sát kỹ lưỡng để chỉ ra được những mặt mạnh và cả những hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành. Theo đó, cần chỉ rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; nêu rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đề xuất giải pháp tháo gỡ bất cập; xử lý dứt điểm những hiện tượng “nóng” về môi trường ở địa phương, cơ sở, nhất là những vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, nghiêm trọng hơn là ở các khu đô thị, vấn đề xử lý rác thải y tế.

“Nguy hiểm nhất là rác thải y tế, chưa kể an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề rất nóng, rất trúng. Báo cáo giám sát phải chỉ ra điểm được, chưa được. Văn bản đầy đủ rồi nhưng quan trọng là làm như thế nào cho có kết quả” - đồng chí Trần Thanh Mẫn nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh rằng kết quả cuối cùng của chuyên đề giám sát chính là Nghị quyết của Quốc hội, vì vậy, Nghị quyết giám sát cần phải cụ thể, rõ ràng, để sau khi chuyên đề kết thúc sẽ tạo ra những thay đổi thực chất trong việc thực hiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường. Nội dung giám sát cần bao gồm việc đánh giá kết quả tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó bao hàm cả giám sát công tác phòng ngừa, kiểm soát, xử lý ô nhiễm, xử lý chất thải và phục hồi môi trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, việc xử lý rác thải điện tử, pin năng lượng rất cần được dự báo và có giải pháp xử lý sớm vì có thể trở thành thách thức nan giải trong tương lai.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng phát biểu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng phát biểu

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho rằng, cần xem xét các tiêu chí để lựa chọn địa phương, khía cạnh giám sát đảm bảo trúng điểm nóng trong thực tiễn, ví dụ giám sát tại Hà Nội cần lưu tâm đặc biệt đến chất lượng không khí, giám sát tại Thái Nguyên cần quan tâm hơn tới hệ thống xử lý nước thải tại các làng nghề…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo