Chủ Nhật, ngày 27 tháng 10 năm 2024

Trường ĐH TDTT TPHCM đón nhận chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục

PGS.TS Nguyễn Quang Giao, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Đà Nẵng (ngoài cùng, bên phải) trao chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đến Trường ĐH TDTT TPHCM.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 21/3, Trường Đại học Thể dục thể thao (ĐH TDTT) TPHCM đã tổ chức Lễ đón nhận chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (CSGD), gặp mặt nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2024) và kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024).

Đến tham dự có PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); PGS.TS Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT (Bộ VHTTDL); đồng chí Lương Văn Nhiền, Bí thư Đảng ủy Khối cơ sở Bộ VHTTDL.

Báo cáo quá trình thực hiện tự đánh giá và đăng ký kiểm định chất lượng CSGD của Trường ĐH TDTT TPHCM, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Bình cho biết, thực hiện Quyết định số 2648/QĐ-BVHTTDL ngày 25/10/2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc phê duyệt chủ trương Kiểm định chất lượng CSGD của Trường ĐH TDTT TPHCM, Nhà trường đã triển khai thực hiện và gửi báo cáo tự đánh giá cho Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo để đăng ký đánh giá ngoài theo quy định về kiểm định chất lượng CSGD đại học.

Các tiêu chuẩn được chia thành 4 nhóm, bao gồm: đảm bảo chất lượng về chiến lược; đảm bảo chất lượng về hệ thống; đảm bảo chất lượng về chức năng hoạt động (đào tạo, nghiên cứu khoa học, kết nối - phục vụ cộng đồng) và kết quả hoạt động của Nhà trường.

Đến tháng 6/2023, Trường ĐH TDTT TPHCM đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Đà Nẵng tổ chức khảo sát sơ bộ phục vụ đánh giá ngoài và đến tháng 8/2023, thực hiện khảo sát chính thức theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGD.

Ngày 4/2/2024, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Đà Nẵng họp 3 bên tổ chức thẩm định kết quả đánh giá chất lượng CSGD. Ngày 28/2/2024, Trung tâm cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng CSGD đối với Trường ĐH TDTT TPHCM.

“Đây là sự kiện lớn mà tập thể cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động, sinh viên và học viên của Trường mong chờ, là niềm vui lớn, là bước ngoặt đánh dấu một chặng đường phát triển bằng sự nỗ lực hết mình, chung sức chung lòng của tập thể Nhà trường.

Trong thời gian đánh giá nội bộ và đánh giá ngoài, Nhà trường đã nhận được những ý kiến của Đoàn chuyên gia chỉ ra những điểm mạnh cần được duy trì, phát huy và những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Phát biểu tại buổi lễ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn chúc mừng tập thể Nhà trường đã được đón nhận chứng nhận kiểm định chất lượng CSGD. Ông cho biết, kiểm định chất lượng CSGD là trách nhiệm và cũng là mục tiêu, giá trị cốt lõi mà các trường ĐH hiện nay đang hướng tới trong chiến lược phát triển. Lãnh đạo Bộ VHTTDL luôn quan tâm, quán triệt và yêu cầu các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ đẩy nhanh tiến trình tổ chức tự đánh giá, tổ chức đánh giá ngoài để nâng cao chất lượng.

Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn cho rằng, Chứng nhận Kiểm định chất lượng CSGD mà Trường ĐH TDTT TPHCM nhận được hôm nay là sự khởi đầu, là động lực và cũng là thách thức để Nhà trường cần cố gắng tiếp tục giữ vững danh hiệu và có những bước đột phá để nâng chất lượng và thương hiệu của Nhà trường lên một tầm cao mới, xứng đáng với thương hiệu, uy tín của Trường.

Ông Lê Anh Tuấn đề nghị Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, có tính đột phá của Chiến lược phát triển Trường ĐH TDTT TPHCM giai đoạn 2021 - 2026 và tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, triển khai và thực hiện tốt công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục, tăng cường phát huy hiệu quả hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; có biện pháp, lộ trình thích hợp để đánh giá kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, tiến tới tham gia xếp hạng, kiểm định chất lượng quốc tế để khẳng định uy tín.

Ngoài ra, Nhà trường cần tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, tăng cường chuyển đổi số trong tổ chức đào tạo thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tập trung các điều kiện để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của Nhà trường; trong đó chú trọng đến đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý kế cận. Tăng cường gắn kết hoạt động đào tạo với thực hành nghề nghiệp, gắn hoạt động của nhà trường với các cơ quan, doanh nghiệp, các hội nghề nghiệp, tạo cơ hội, điều kiện việc làm cho sinh viên, học viên sau khi ra trường.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo