Thứ Tư, ngày 22 tháng 1 năm 2025

Trình cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, TPHCM.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Giao thông vận tải, UBND Thành phố Hà Nội, UBND TPHCM trong việc chuẩn bị nội dung báo cáo về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, TPHCM.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 vào ngày 12/2, tiến độ thực hiện là rất gấp, do vậy để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Phó Thủ tướng đồng ý với ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp về việc báo cáo Quốc hội cho phép xây dựng Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.

Phó Thủ tướng giao UBND Thành phố Hà Nội, UBND TPHCM tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, khẩn trương rà soát các cơ chế chính sách đã có để bổ sung đầy đủ các chính sách nhằm phát huy hiệu quả trong quá trình đầu tư, khai thác các tuyến đường sắt đô thị (phân cấp, phân quyền cho 2 thành phố chủ động tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả; rút ngắn trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công xây lắp; phát triển không gian ngầm, khai thác hiệu quả quỹ đất xung quanh ga, huy động nguồn vốn, phát triển theo mô hình TOD…); gửi Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì, phối hợp UBND Thành phố Hà Nội, UBND TPHCM khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết và đồng thời rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết (Bộ Giao thông vận tải thành lập Tổ công tác để xây dựng dự thảo Nghị quyết, thành phần gồm bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của UBND Thành phố Hà Nội, UBND TPHCM và mời các cơ quan của Quốc hội; chia thành 3 nhóm, gồm: nhóm rà soát các cơ chế chính sách chung; nhóm rà soát cơ chế chính sách áp dụng riêng cho thành phố Hà Nội và nhóm rà soát chính sách áp dụng riêng cho TPHCM).

Các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; và UBND Thành phố Hà Nội, UBND TPHCM có trách nhiệm đánh giá thẩm định về tính khả thi, hiệu quả đối với từng chính sách; cử người tham gia tổ công tác; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết (kịp thời gửi ý kiến theo đúng thời hạn mà Bộ Giao thông vận tải đề nghị để Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện).

Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải về trình tự, thủ tục, hồ sơ để trình Quốc hội xem xét thông qua Đề nghị xây dựng Nghị quyết theo thủ tục rút gọn và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; chủ trì thẩm định các Hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trình Quốc hội xem xét bổ sung Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và xây dựng dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình 1 kỳ họp (kỳ hợp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội).

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ.

Về tiến độ trình, Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đăng ký nội dung trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, TPHCM vào kỳ họp bất thường lần thứ 9; chịu trách nhiệm xây dựng cụ thể Kế hoạch, tiến độ trình các Hồ sơ bảo đảm đúng tiến độ theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội (trong đó, chịu trách nhiệm hoàn thiện Hồ sơ theo quy định gửi Bộ Tư pháp); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình trình hồ sơ, tiếp thu, giải trình nội dung thẩm tra và trình Quốc hội.

Bộ Tư pháp hoàn thành công tác thẩm định các Hồ sơ theo quy định; trình Quốc hội xem xét bổ sung xây dựng dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và xây dựng dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình 1 kỳ họp (trước ngày 3/2.

Bộ Giao thông vận tải tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo