Các đồng chí lãnh đạo tại buổi lễ công bố đặt tên đường (ảnh: Quốc Thanh) (Thanhuytphcm.vn) – Sáng 19/1, UBND TPHCM tổ chức Lễ Công bố Nghị quyết về việc đặt tên đường trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Trần Thị Diệu Thúy, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP; Trần Thế Thuận, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP; Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng TP; cùng đại diện lãnh đạo các quận, huyện.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại buổi lễ (ảnh: Quốc Thanh) Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Thị Diệu Thúy cho biết, tại kỳ họp lần thứ 20 của HĐND TP khóa X, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về đặt tên đường, công trình công cộng và điều chỉnh lý trình trên địa bàn TPHCM.
Cụ thể là: đặt tên Tổng Bí thư Đỗ Mười trên Quốc lộ 1 - từ nút giao thông Thủ Đức (ngã ba Trạm 2 cũ) đến nút giao thông An Sương; đặt tên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trên Quốc lộ 1 - từ nút giao thông An Sương đến vòng xoay An Lạc; đặt tên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trên Quốc lộ 1 - đoạn từ vòng xoay An Lạc đến ranh tỉnh Long An; đặt tên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo trên Quốc lộ 22 - đoạn từ Quốc lộ 1 đến cầu An Hạ; đặt tên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải trên Quốc lộ 22 - đoạn từ cầu An Hạ đến ranh tỉnh Tây Ninh; đặt tên Đại tướng Văn Tiến Dũng trên Quốc lộ 50 - đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An; đặt tên Thượng tướng Hoàng Cầm trên Quốc lộ 1K - đoạn từ Quốc lộ 1 đến ranh tỉnh Bình Dương.
Các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức công bố đặt tên đường (ảnh: Quốc Thanh) Theo lãnh đạo TP, việc đặt tên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng chí Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh trên các tuyến quốc lộ nhằm tôn vinh những công lao, đóng góp to lớn của các đồng chí cho đất nước, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, trau dồi lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc của nhân dân TPHCM. Qua đó, bên cạnh việc phục vụ cho công tác quản lý đô thị, còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc nhận diện, tìm kiếm tên đường và địa chỉ. Đồng thời, việc đặt tên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh trong dịp này là hoạt động hướng đến chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2025 của đất nước và Thành phố.
Các đồng chí lãnh đạo chụp hình lưu niệm, trao quà đến đại diện gia đình đồng chí Đỗ Mười (ảnh: Quốc Thanh) Việc đặt tên đường phần nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sinh hoạt của người dân sinh sống trên địa bàn. Lãnh đạo Thành phố rất mong được người dân, doanh nghiệp đồng cảm, chia sẻ với cơ quan Nhà nước trong việc điều chỉnh, cập nhật các loại giấy tờ có liên quan trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước sẽ hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện để hạn chế việc gây xáo trộn và ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn. Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy cũng đề nghị các địa phương nghiên cứu giới thiệu, tuyên truyền Nhân dân về tóm tắt tiểu sử các danh nhân và tóm tắt lịch sử các địa danh được đặt tên đường, công trình công cộng trên địa bàn bằng nhiều hình thức khác nhau.
Tiểu sử các đồng chí được đặt tên đường
- Đồng chí Đỗ Mười (1917 - 2018), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ 6/1991 đến 12/1997. Đồng chí có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
- Đồng chí Lê Đức Anh (1920 - 2019), Đại tướng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1992 đến năm 1997. Đồng chí có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta, được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
- Đồng chí Lê Khả Phiêu (1931 - 2020), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1997 đến 2001. Đồng chí có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
- Đồng chí Hoàng Cầm (1920 - 2013), Thượng tướng, Tư lệnh Quân đoàn 4 từ 1975 đến 1977. Với nhiều công lao, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Thượng tướng Hoàng Cầm đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.
- Đồng chí Lê Quang Đạo (1921 - 1999), Trung tướng, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1987 đến 1994. Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều huân chương, huy chương khác.
- Đồng chí Phan Văn Khải (1933 - 2018), Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1997 đến 2006. Do có nhiều công lao và đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, nhiều huân chương, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
- Đồng chí Văn Tiến Dũng (1917 - 2002), Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 1980 - 1986; Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Do có nhiều công lao và đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí Văn Tiến Dũng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Nhì), Huân chương Tự do hạng Nhất của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Huân chương Angkor của Nhà nước Campuchia tặng và nhiều phần thưởng cao quý khác.