Thứ Tư, ngày 18 tháng 9 năm 2024

Trách nhiệm của xã hội trong nỗ lực giảm thiểu tác động của thương mại điện tử với môi trường

PGS.TS. Phùng Chí Sỹ phát biểu tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 12/9, tại TP Thủ Đức, Hội thảo “Tác động của thương mại điện tử đối với môi trường” do UBND TPHCM chủ trì, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Hội đồng Hiệu trưởng Khối ngành Khoa học sự sống và Môi trường phối hợp tổ chức. Đây là hội thảo quốc gia đầu tiên trong nước về tác động của thương mại điện tử đối với môi trường. Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu các tác động tiêu cực của thương mại điện tử đến môi trường.

Đến tham dự hội thảo có các đồng chí: Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM; GS. TSKH. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Hiệu trưởng 11 trường thuộc Hội đồng Hiệu trưởng Khối ngành Khoa học Sự sống và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (WWF), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), gần 200 các học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học đến từ các trường đại học trên địa bàn TPHCM...

Rác thải điện tử: Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển bền vững, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Phó Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Bảo vệ Môi trường Việt Nam thông tin: Trong cuộc CMCN 4.0, nền kinh tế thông minh, kinh tế số thì các thiết bị điện tử đã, đang và sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng và gia tăng rất nhanh về số lượng, chủng loại. Khối lượng thiết bị hư hỏng, hết hạn sử dụng được coi là chất thải điện tử đã và đang phát sinh ngày càng nhiều. Khối lượng thiết bị hết hạn sử dụng, chất thải điện tử sẽ gia tăng chóng mặt trong thời gian tới. Những đồ điện tử tiêu dùng như ti vi, máy tính, thiết bị ngoại vi, thiết bị âm thanh, điện thoại… chiếm khoảng 2% trong tổng số toàn bộ rác thải hiện nay.

PGS.TS. Phùng Chí Sỹ dẫn báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, lượng phát thải tivi ở Việt Nam vào năm 2025 có thể lên tới 250.000 tấn. Lượng chất thải điện tử ở Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn, chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình (đồ gia dụng điện tử), văn phòng (máy tính, máy photocopy, máy fax...), các bộ sản phẩm điện tử lỗi và các thiết bị thải được nhập khẩu bất hợp pháp. Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải điện tử còn nhiều khó khăn, bất cập do chính sách, quy định chưa rõ ràng, nhận thức của doanh nghiệp, người dân chưa đầy đủ, thiếu sự thanh tra, kiểm tra, cưỡng chế của các cơ quan nhà nước.

PGS.TS. Phùng Chí Sỹ viện dẫn kinh nghiệm tái sinh, tái sử dụng, tái chế thiết bị điện tử hết hạn sử dụng và chất thải điện tử của Nhật Bản mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường là giải pháp cho rác thải điện tử tại Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, cần phải có sự tham gia của Chính phủ, các nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các công ty chuyên tái chế, xử lý và sự đồng hành của toàn xã hội.

Đóng gói xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất lẫn đơn vị vận chuyển

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hưng, Hội đồng Tư vấn, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết: Ước tính thương mại điện tử nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 25 tỷ USD. Tại Việt Nam, 1 tỷ kiện, gói hàng mua trực tuyến sử dụng 166 nghìn tấn bao bì, trong đó có 80 nghìn tấn nhựa các loại.

Đại biểu tham dự tại hội thảo Đại biểu tham dự tại hội thảo

Ông Hưng khuyến nghị, cần có thống kê chính thức bao bì và vật liệu, dụng cụ nhựa trong thương mại điện tử; Ban hành chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn đóng gói thân thiện môi trường; Phổ biến, tuyên truyền về tác động tiêu cực của rác thải nhựa tới người tiêu dùng trực tuyến; Phổ biến tuyên truyền chính sách, pháp luật về môi trường (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường), Người tiêu dùng tham gia Thương mại điện tử Xanh, nâng cao “quyền lực” của người mua; Vận động, tư vấn thương nhân, doanh nghiệp cung cấp nền tảng thương mại điện tử và dịch vụ logistics có các hành động cụ thể giảm rác thải nhựa.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế toàn cầu. Sự xuất hiện và lan tỏa của thương mại điện tử không chỉ thay đổi cách thức kinh doanh, mà còn mở rộng khả năng tiếp cận sản phẩm và dịch vụ, giúp kết nối các thị trường và người tiêu dùng trên khắp thế giới. Tại giao điểm của tiến bộ công nghệ và nhu cầu phát triển bền vững, việc nghiên cứu và hiểu rõ tác động của thương mại điện tử đối với môi trường không chỉ mang tính cấp thiết mà còn là một yêu cầu không thể thiếu trong quá trình hoạch định chính sách và phát triển chiến lược kinh doanh.

Nam Phương


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo