Thứ Sáu, ngày 25 tháng 10 năm 2024

TPHCM đề ra mục tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành Công thương đến năm 2030 đạt khoảng 40%

(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030.

Theo đó, UBND TPHCM đề ra mục tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành Công thương trong tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) đến năm 2030 đạt khoảng 40%; tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 15 - 20%; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 6,5 - 7,5%/năm.

Thành phố cũng tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo theo đúng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII của Bộ Công thương góp phần vào thực hiện mục tiêu đạt tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15 - 20% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ tối thiểu 15% so với công suất cực đại của hệ thống điện. Giảm thiểu lượng các-bon trong quá trình sản xuất, phấn đấu phát thải các-bon thấp, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng của quốc gia bằng “0” vào năm 2050.

Thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 6 - 7%/năm. Hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả các quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam; tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 12-13%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng hàng hóa phân phối qua các kênh thương mại điện tử chiếm khoảng 25%.

Cụ thể, đối với ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp dựa trên các nền tảng: Đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh; ưu tiên quỹ đất và nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chủ lực; tạo việc làm và thu nhập tốt cho các thành phần kinh tế; ưu tiên phát triển và chuyển đổi mô hình sản xuất cho các ngành công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững; khuyến khích phát triển công nghiệp tự chủ do người Việt Nam quản lý, giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố quốc tế.

Đối với ngành năng lượng, phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững và đi trước một bước so với phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường hợp tác về phát triển nguồn cung từ bên ngoài, đa dạng hóa phát triển nguồn cung năng lượng nhằm hướng tới tự chủ một phần về cung ứng năng lượng; xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng đồng bộ, hiện đại; khuyến khích kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tham gia phát triển năng lượng.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, tận dụng sự chuyển dịch công nghiệp sang các nhóm ngành công nghệ cao để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao như các sản phẩm thiết bị điện tử tiên tiến, máy móc công nghiệp, dược phẩm và công nghệ sinh học… các sản phẩm phần mềm ứng dụng, các sản phẩm Fintech.

Đối với thị trường nội địa,  phát triển ngành thương mại theo hướng thương mại dịch vụ, trong đó dịch vụ phân phối giữ vai trò trung tâm, thúc đẩy phát triển đồng bộ các dịch vụ xúc tiến thương mại, hậu cần (logistics), kết hợp hài hòa với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển giao thông vận tải, logistics, các quy hoạch khác liên quan của thành phố.

Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế gắn với thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng củng cố các nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường nội lực của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp nội địa là trọng tâm để hợp tác, hội nhập và ứng phó linh hoạt, hiệu quả với các cú sốc bất lợi từ bên ngoài…

Kế hoạch cũng đề ra một số giải pháp trọng tâm: Ưu tiên phát triển ngành năng lượng đi trước một bước so với phát triển kinh tế - xã hội; khai thác tối đa cơ hội, điều kiện để tìm kiếm các nền tảng tăng trưởng mới phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính liên kết vùng; hỗ trợ phát triển các ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng lớn; đồng thời ưu tiên các thị trường xuất khẩu mục tiêu; từng bước hoàn thiện các yếu tố nền tảng, hướng tới xây dựng thành phố trở thành trung tâm thương mại của khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường nhằm giải phóng sức sản xuất, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển; phát triển các mô hình kinh tế số gắn với kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn…

M.Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo