(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa có báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
Theo UBND TPHCM, TPHCM là đô thị lớn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm kinh tế của cả nước thu hút lực lượng lao động từ các tỉnh, thành khác đến sinh sống, học tập và làm việc; lực lượng lao động của TP đạt 4,8 triệu người chiếm khoảng 51,21% dân số. So với các tỉnh, thành khác trong cả nước, TP có số lượng cao nhất về doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (tổng cộng 72 doanh nghiệp, trong đó 56 doanh nghiệp và 16 chi nhánh).
Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong tổ chức các hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2024 có 9.651 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó lao động thường trú tại TP đi làm việc là 1.455 người.
Để các địa phương chủ động trong công tác quản lý nhà nước về lao động, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cá nhân, tổ chức có hành vi đưa người lao động đi làm việc trái phép ở nước ngoài, UBND TPHCM đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân cấp cho UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Lý do là tại địa phương các doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc những quy định pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính chưa đủ mạnh để răn đe, đặc biệt đối với hành vi vi phạm đề xuất thu hồi giấy phép là khó thực hiện trong thực tế. Khó kiểm soát đối với tình trạng doanh nghiệp được cấp giấy phép ở tỉnh khác đã ủy quyền cho chi nhánh, địa điểm kinh doanh tại TPHCM nhưng không báo cáo bằng văn bản cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thực tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận, giải quyết các đơn thư kiến nghị của người dân liên quan đến việc doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhưng lợi dụng chính sách về người lao động đi làm việc ở nước ngoài dụ dỗ, lôi kéo, lừa đảo, môi giới đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến thị trường lao động.