Lực lượng Cảnh sát PCCC diễn tập phương án chữa cháy tại Báo Sài Gòn Giải Phóng vào chiều 29/11 vừa qua (Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa có công văn gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành TP; Ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp, Khu Công nghệ cao TP; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn TP; các Doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn TP; UBND quận, huyện, TP Thủ Đức về việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) cao điểm dịp lễ, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và năm 2025.
Theo công văn, để thực hiện hiệu quả công tác PCCC và CNCH trên địa bàn TP, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do tai nạn, sự cố cháy, nổ gây ra; đảm bảo an toàn PCCC góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các dịp lễ, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và năm 2025, UBND TP yêu cầu thủ trưởng các các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND TP trong công tác PCCC trên địa bàn TP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; thường xuyên kiểm tra, củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động của lực lượng, phương tiện PCCC tại chỗ; duy trì thực hiện việc tổ chức ứng trực và tuần tra, canh gác của lực lượng PCCC cơ sở để kịp thời phát hiện và xử lý khi xảy ra cháy, nổ; tăng cường công tác phòng ngừa, trọng tâm là công tác tự kiểm tra, xử lý, khắc phục những thiếu sót, vi phạm điều kiện an toàn về PCCC ở trụ sở cơ quan, đơn vị, nơi làm việc; thường xuyên tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH để chủ động xử lý khi xảy ra tình huống cháy, nổ; Chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra cháy, nổ ở trụ sở cơ quan, nơi làm việc.
UBND TP yêu cầu Công an TP tổ chức rà soát, kiểm tra, hướng dẫn các giải pháp về PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ); yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường PCCC do UBND TP ban hành; tham mưu hướng dẫn tháo gỡ những quy định bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, gây cản trở, khó khăn trong công tác PCCC; tiếp tục xây dựng một cách đồng bộ và thực hiện nghiêm các quy hoạch hạ tầng PCCC gắn với quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương cũng như mạng lưới giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chữa cháy, CNCH…
UBND TP đề nghị UBND quận, huyện, TP Thủ Đức đẩy mạnh tuyên truyền ở khu dân cư, khu vực công cộng bằng hình thức như xe loa, xe hoa, các băng rôn, áp phích, tờ rơi, tờ bướm,… trong các đợt cao điểm lễ, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và năm 2025; tiếp tục đẩy mạnh phong trào Nhà tôi 3 có gồm “Nhà tôi có thiết bị cảnh báo cháy” “Nhà tôi có mặt nạ phòng độc” “nhà tôi có lối thoát nạn thứ 2”; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình trong công tác PCCC ở khu dân cư, chung cư, hộ gia đình, hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ kết hợp nhà ở, các chợ truyền thống, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn.
Đồng thời, rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đối với khu dân cư, khu vực cải tạo, chỉnh trang đô thị, giải tỏa để có biện pháp, giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ; đặc biệt chú ý các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, CNCH; chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc cơi nới chiếm dụng lối đi chung, cản trở đường giao thông và lối thoát nạn; việc câu, mắc đường dây dẫn điện, viễn thông không bảo đảm an toàn theo quy định; đầu tư, mua sắm, trang bị, bảo trì, bảo dưỡng các phương tiện PCCC và CNCH cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; lực lượng dân phòng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; lực lượng PCCC và CNCH tại khu phố; rà soát các tuyến hẻm sâu, xe chữa cháy không thể tiếp cận trong khu dân cư để chuẩn bị các điều kiện về giao thông, nguồn nước, kịp thời xử lý sự cố ngay từ khi mới phát sinh.
Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, lập danh sách các Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng trên địa bàn quản lý thuộc đối tượng phải xây dựng theo tiêu chí để ban hành quyết định thành lập; căn cứ điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình vận động người dân từng bước trang bị phương tiện PCCC phù hợp; đến khi đảm bảo tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Công an thì tiến hành ra mắt và đưa vào hoạt động; kết hợp tập huấn và thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn. Tiếp tục rà soát các tổ liên gia, điểm chữa cháy công cộng đã xây dựng nhưng chưa đáp ứng theo hướng dẫn để điều chỉnh, bổ sung đáp ứng yêu cầu công tác PCCC.
Đối với địa bàn có diện tích rừng phải chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường công tác PCCC rừng; tuyên truyền, kiểm tra công tác PCCC rừng; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC tại chỗ nhằm nâng cao kiến thức, nghiệp vụ PCCC để kịp thời xử lý các đám cháy khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn. Tăng cường lực lượng bảo vệ, bố trí người thường trực tại các chòi canh và tổ chức tuần tra, canh gác nhằm phát hiện sớm các điểm cháy rừng. Rà soát, bổ sung các phương tiện, dụng cụ PCCC rừng phù hợp với tình hình, đặc điểm từng loại rừng.
Đối với các hành vi vi phạm liên quan đến các công trình xây dựng tạm, cơ sở thu mua phế liệu, cơ sở xây dựng trái phép, không phép trên đất dự án, đất nông nghiệp, đất đang bị thu hồi, đất nằm trong hành lang bảo vệ đường sắt, lưới điện cao thế, đê, rừng, sai mục đích sử dụng đất,… căn cứ vào mức độ vi phạm xử lý theo quy định của pháp luật.