Quang cảnh hội thảo (Thanhuytphcm.vn) - Sáng 11/12, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM phối hợp Sở Y tế TPHCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Già hóa dân số và chính sách nhằm thích ứng với già hóa dân số tại TPHCM”. Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Văn Vĩnh Châu; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Phạm Bình An dự và chủ trì hội thảo.
Thách thức và cơ hội thích ứng với già hóa dân số
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Phạm Bình An cho biết, hội thảo nhằm thảo luận một vấn đề mang tính chiến lược đối với sự phát triển bền vững, đó là “thích ứng với già hóa dân số”. TPHCM là đô thị có quy mô dân số lớn nhất cả nước, hiện nay đang trải qua tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Công an, đến cuối năm 2023, thành phố có 1.310.323 người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 12,05% dân số và dự báo đến năm 2030 chiếm 20% tổng dân số thành phố. Vấn đề già hóa dân số trở thành tất yếu của lịch sử phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo đồng chí Phạm Bình An, già hóa dân số và dân số già sẽ mang đến những hệ quả, thách thức về kinh tế - văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, quá trình già hóa dân số cũng mở ra những cơ hội như: phát triển các ngành dịch vụ, sản phẩm phục vụ người cao tuổi, hay còn gọi là “Nền kinh tế bạc” và nếu biết tận dụng, người cao tuổi trở thành nguồn lực xã hội quan trọng, phát huy được kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi trong phát triển cộng đồng và giáo dục thế hệ trẻ.
Hội thảo nhằm tập trung phân tích tình hình thực trạng, thảo luận các thách thức và cơ hội, từ đó đề xuất các chính sách hiệu quả, nhằm thích ứng với già hóa dân số tại TPHCM. Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 22 bài tham luận của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế (đặc biệt về lão khoa), các nhà nghiên cứu, giảng viên trong các lĩnh vực liên quan đến dân số, chính sách xã hội, dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức hội, nghề nghiệp có liên quan. Hội thảo cũng là bước khởi đầu quan trọng để chuyển các nghiên cứu thành chính sách thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố.
Tại hội thảo, các báo cáo tham luận tập trung thảo luận sâu theo các nhóm nội dung từ các góc độ khác nhau. Về góc độ kinh tế: Phát triển dịch vụ và ngành nghề mới phù hợp với người cao tuổi; đề xuất mô hình doanh nghiệp khai thác “nền kinh tế bạc”, như phát triển dịch vụ, tài chính và du lịch cho người cao tuổi. Về góc độ y tế: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại và hiệu quả và mô hình chăm sóc chia sẻ, hướng đến cộng đồng.
Ở góc độ an sinh xã hội: Cần xây dựng các mô hình bảo hiểm xã hội và hỗ trợ tài chính hợp lý, đặc biệt khi hơn 70% người cao tuổi không có lương hưu; chuyển hướng mạnh mẽ về công tác dân số - chiến lược dân số; đổi mới chính sách dân số nhằm giảm áp lực lên nguồn lao động trẻ; tăng cường chính sách khuyến sinh và điều chỉnh cơ cấu dân số; khuyến khích tăng mức sinh thông qua chính sách tài chính và hỗ trợ giáo dục.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Phạm Bình An phát biểu đề dẫn hội thảo TPHCM là địa phương có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất cả nước, với quy mô người cao tuổi đang tăng nhanh cả về số lượng và tỷ trọng. Các số liệu cho thấy, từ năm 2017, thành phố đã bước vào giai đoạn già hóa và dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ đạt 20% (tương đương khoảng 1,8 triệu người) và vào năm 2050, con số này có thể vượt 3 triệu người (trên 30% tổng dân số). Do đó, cần nhìn nhận vai trò của người cao tuổi trong cơ cấu dân số và tốc độ già hóa dân số của TPHCM. Đồng thời, đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với chính sách an sinh xã hội, y tế và cơ sở hạ tầng đáp ứng xu hướng già hoá dân số và dân số già.
Chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi phải mang tính bao trùm
Các tham luận tại hội thảo đã nhấn mạnh, các vấn đề dân số cao tuổi gia tăng gây áp lực mạnh lên hệ thống y tế và an sinh xã hội. Nhiều ý kiến cũng nhận định về tiềm năng của người cao tuổi trong việc đóng góp vào nền “kinh tế bạc” và phát triển các ngành dịch vụ mới, dựa trên những bài học thành công từ các quốc gia khác như Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Đối diện với thiếu hụt lao động trẻ, TPHCM cần tận dụng tri thức và kinh nghiệm của người cao tuổi như một nguồn lực quan trọng để bù đắp cho lực lượng lao động.
Các đánh giá đều cho rằng chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi phải mang tính bao trùm, trong đó các chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đóng vai trò quan trọng về đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Các chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội và mô hình chăm sóc tại cộng đồng, mô hình nhà dưỡng lão… đang được triển khai, thí điểm đối với các đối tượng khác nhau, tạo điều kiện cho người cao tuổi dễ tiếp cận. Kinh nghiệm quốc tế và các mô hình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Tại các quốc gia phát triển và các quốc gia có dân số già triển khai các chính sách về an sinh xã hội và chế độ bảo hiểm chăm sóc người cao tuổi là nền tảng khung pháp lý để thực thi chế độ chăm lo sức khoẻ, thu nhập… cho người cao tuổi.
Bên cạnh đó, xu hướng của các quốc gia là thích ứng với già hóa dân số, với các loại hình dịch vụ hướng đến xã hội hóa và hỗ trợ gia đình trong chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng, cùng với các chính sách về tận dụng nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với cơ cấu dân số già và nguồn lao động. Về các giải pháp nhằm thích ứng với già hoá dân số, cần nhìn nhận già hóa dân số là tất yếu của quá trình phát triển của quốc gia, phải nhìn nhận đa chiều để có chính sách thích ứng phù hợp.