TPHCM bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong những tháng cuối năm 2022. (Thanhuytphcm.vn) – Ban An toàn giao thông TPHCM vừa ban hành kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong những tháng cuối năm 2022.
Theo kế hoạch có 6 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện gồm, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kế hoạch đã ban hành như: Kế hoạch số 331-KH/TU ngày 04/12/2019 của Thành ủy và Quyết định số 1336/QĐ-UBND ngày 20/4/2020 của UBND TPHCM về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/2/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM; Quyết định số 760/QĐ-UBND ngày 17/3/2022 về ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn TPHCM; Quyết định số 2757/QĐ-UBND ngày 15/8/2022 về ban hành Kế hoạch khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025.
Đồng thời, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật để đề xuất bổ sung, sửa đổi, kịp thời bãi bỏ, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về trật tự an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới của TPHCM.
Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư, nâng cấp và kế hoạch bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông; khai thác hiệu quả các hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, linh hoạt, phù hợp tình hình và đặc điểm của Thành phố; ưu tiên rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông.
Song song đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong Thành phố và liên tỉnh; nâng cao năng lực, chất lượng và khuyến khích sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố theo lộ trình phù hợp. Mở rộng, kết nối giao thông các tỉnh lân cận thông qua hình thức vận tải hành khách bằng xe ô tô và xe buýt theo tuyến cố định.
Bên cạnh đó, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, ban, ngành, đoàn thể trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, hình thức tuyên truyền tập trung trên mạng xã hội, hạ tầng số vào các khung giờ vàng trên sóng truyền hình; tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm về vận động toàn dân bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, thực thi pháp luật.
Nắm chắc tình hình, sớm phát hiện các vấn đề nổi lên trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông để chủ động tham mưu chỉ đạo nâng cao nâng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng chống dịch bệnh trong giao thông vận tải; phát huy hiệu quả của các Nhóm phản ứng nhanh trong giải quyết các sự cố, các vụ tai nạn và ùn tắc giao thông. Xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu tiến tới chủ yếu phát hiện, xử lý vi phạm thông qua hình ảnh đối với một số hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông.