Có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới tại cộng đồng
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, tại Việt Nam, ghi nhận 267 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 13 trường hợp ghi nhận tại ổ dịch thuộc thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội; ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc mới liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, không ghi nhận trường hợp mắc mới liên quan đến quán bar Buddha. Có 169 trường hợp đã khỏi bệnh (chiếm 63% tổng số bệnh nhân), trong đó 153 trường hợp tiếp tục được theo dõi tại các cơ sở y tế; 98 bệnh nhân đang được điều trị tại 15 cơ sở khám, chữa bệnh; 3 bệnh nhân diễn biến rất nặng (số 20, 91, 161) đang được điều trị tích cực; 31 trường hợp âm tính từ một lần trở lên (trong đó có 10 trường hợp âm tính từ 2 lần trở lên).
Nhận xét tình hình dịch, Ban chỉ đạo cho rằng, dự báo trong những ngày tới có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới tại cộng đồng, đặc biệt tại một số tỉnh có nguy cơ cao, thuộc khu vực đô thị có mật độ dân cư đông, trong khi đó biện pháp cách ly xã hội có thể được nới lỏng hơn hiện nay.
Về xu hướng dư luận, chủ yếu theo 3 nhóm ý kiến, trong đó có nhóm ý kiến cho rằng, thời gian tới đề nghị tiếp tục thực hiện cách ly xã hội nhưng xem xét điều chỉnh ở mức độ phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương và yêu cầu của công tác phòng chống dịch bảo đảm thực tốt cả hai nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Ban chỉ đạo đã phân loại và đề xuất giải pháp đối với địa phương theo nhóm nguy cơ dịch. Đối với nhóm có nguy cơ cao (12 tỉnh, thành): Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình (Trường Yên), Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh, Ban chỉ đạo đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm tất cả các nội dung Chỉ thị 16 đến hết ngày 22/4, Ban Chỉ đạo sẽ đánh giá và báo cáo, đề xuất Thủ tướng quyết định.
Đối với nhóm có nguy cơ (15 tỉnh, thành: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp) và nhóm có nguy cơ thấp (36 tỉnh còn lại): cần có các hình thức hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng phải có quy định cụ thể để đảm bảo yêu cầu chống dịch. Thực hiện các biện pháp bắt buộc, gồm có: hạn chế ra khỏi nhà, khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác tối thiểu 2 mét; cấm tập trung đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng); cấm các dịch vụ vui chơi giải trí, tiếp tục đóng cửa các khu du lịch.
TPHCM kiến nghị tăng mức phạt đối với hành vi không đeo khẩu trang
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, hiện chỉ còn 8 ca đang điều trị. Sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, TPHCM chỉ tăng thêm 5 ca nhiễm mới; đã có 12 ngày không phát hiện ca nhiễm mới. Nếu so với 15 ngày trước khi thực hiện Chỉ thị 16 thì số ca mới trên địa bàn TPHCM giảm 88%, điều này cho thấy việc cách ly xã hội mang lại hiệu quả rõ rệt, bước đầu thu được kết quả tích cực.
Qua thực tiễn chống dịch, TPHCM rút ra 5 vấn đề mấu chốt. Thứ nhất, hành động sớm là yếu tố then chốt để phòng chống dịch. Dù số ca nhiễm được ghi nhận thấp nhưng Việt Nam vẫn thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 1/4, đây là phản ứng nhanh và quyết liệt để chặn đứng nguồn lây, khoanh vùng và dập dịch, trong đó có việc các trường học đóng cửa, thực hiện việc cách ly tập trung; đến ngày 25/3 đã dừng cơ bản các chuyến bay nội địa và tàu hỏa. Chúng ta đã thực hiện nguyên tắc bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu tối thượng.
Thứ hai, sự đồng lòng và tuân thủ các quy định phòng chống dịch của nhân dân là yếu tố quan trọng khi nhân dân vững tin vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tinh thần này được ví như tinh thần thời chiến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp ngày 15/4 Thứ ba, công tác truy vết lịch sử các ca nhiễm được làm chặt chẽ, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng… trên cơ sở đó biết mầm bệnh từ đâu để khoanh vùng, cách ly. Điều đó đã giúp cho việc phòng ngừa lây lan hiệu quả, kịp thời, tạo niềm tin cho nhân dân, hầu như đã không còn xuất hiện tâm lý hoảng loạn trong nhân dân.
Thứ tư, đã thực hiện chính sách xét nghiệm trên diện rộng, có trọng tâm, theo dõi kết quả kể cả khi ra viện trong 14 ngày, đó là yếu tố vượt trội hiện nay để chúng ta phòng dịch hiệu quả.
Thứ năm, tuy tình hình dịch bệnh thế giới phức tạp nhưng chúng ta đã đạt kết quả rất khả quan với số ca nhiễm không tăng cao, chưa có ca tử vong, 2/3 bệnh nhân được điều trị khỏi, điều đó tạo nên sự chủ động rất lớn, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp về việc Chính phủ có chính sách phòng dịch đúng.
Nhưng lãnh đạo TPHCM cũng cho rằng, tình hình dịch hiện nay vẫn còn phức tạp vì có các ca nhiễm trong cộng đồng, một số trường hợp nhiễm ra viện dương tính trở lại. Vì vậy, để không lơ là, mất cảnh giác, có thể gây vỡ trận, xóa đi thành quả đã có, TPHCM kiến nghị Chính phủ cho tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến 30/4.
TPHCM cho rằng, để tiếp tục phòng dịch thành công, Chính phủ cần nghiên cứu thực hiện chiến lược bậc thang để việc giãn cách xã hội càng về sau càng phải nghiêm ngặt, vì hiện nay đã xuất hiện tâm lý chủ quan, người dân có xu hướng ra đường đông.
Cùng với đó, nền tảng của việc đeo khẩu trang là để phòng dịch, nhưng việc giãn cách xã hội kéo dài có thể dẫn đến tâm lý chủ quan, trong khi mức xử phạt hành vi vi phạm này hiện nay còn thấp (xử phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng hiện nay cao nhất chỉ 300.000 đồng), vì vậy TPHCM kiến nghị Chính phủ tăng mức phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng, các giải pháp cách ly người bệnh, sách ly kiểm dịch, khai báo y tế là những giải pháp không gây tốn kém về kinh tế. Nhưng thực hiện giãn cách xã hội thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và ảnh hưởng kinh tế xã hội. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, TPHCM đề nghị Chính phủ xem xét mở dần một số hoạt động thiết yếu ít có nguy cơ gây lây nhiễm đáp ứng bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. Chính phủ ban hành bộ tiêu chí này, giao cho chính quyền địa phương giám sát, có quyền đóng cửa nếu doanh nghiệp, cơ sở không bảo đảm tiêu chí. Đây là chính sách kép để vừa kích thích kinh tế trong bối cảnh chưa xác định được thời điểm dịch kết thúc, vừa tăng cường đạo đức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tạo văn hóa bảo vệ ngành nghề sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
TPHCM đề nghị Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng các mô hình dịch tễ của bệnh truyền nhiễm, mục tiêu là để biết một người trong một ngày có thể đến trung bình bao nhiêu chỗ, gặp gỡ bao nhiêu người, tiếp xúc gần bao nhiêu người, khi thực hiện giãn cách xã hội thì giảm được bao nhiêu lần tiếp xúc, từ đó xác định được biện pháp giãn cách xã hội tối ưu nhất để kiểm soát dịch bệnh.
Hiện nay, nhiều quốc gia đang phải hứng chịu “làn sóng thứ 2” của dịch bệnh, nên để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân khi dịch được kiểm soát, TPHCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo một số sân bay tiếp nhận người Việt Nam từ vùng dịch trở về, đồng thời áp dụng biện pháp cách ly nghiêm hơn nữa, xét nghiệm lại sau 14 ngày cách ly.
Đồng ý 12 địa phương tiếp tục cách ly xã hội đến ngày 22/4 hoặc 30/4
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phân loại nguy cơ dịch bệnh của các địa phương dựa trên các tiêu chí tình hình dịch bệnh hiện nay, phân tích dịch tễ học, các yếu tố dân số, giao thông, những nơi có nhiều người nước ngoài đến.
Thủ tướng đồng ý chia làm ba nhóm, nhóm tỉnh có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm nguy cơ thấp và thống nhất nhóm này không phải là bất biến. Trong cuộc họp tuần tới, Chính phủ sẽ xem lại các nhóm để điều chỉnh.
Theo đó, nhóm nguy cơ cao gồm: Bắc Ninh, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tây Ninh, Hà Tĩnh, trong đó cần đặc biệt chú ý là 2 đô thị lớn là Hà Nội, TPHCM. Các địa phương này sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly xã hội đến ngày 22/4 hoặc 30/4 tùy tình hình cụ thể của việc lây nhiễm dịch bệnh. 12 địa phương này có thể kéo dài hơn nữa nếu như tình trạng có lây nhiễm. Các tỉnh, thành phố nguy cơ cao đều phải thực hiện các giải pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16. Thủ tướng yêu cầu, dù là nhóm có nguy cơ cao, nhưng nhóm này cũng cần quan tâm đến sản xuất, xây dựng hạ tầng, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, tạo thuận lợi cho giao thông.
Nhóm nguy cơ gồm 15 địa phương là: Bình Dương, Thái Nguyên, Cần Thơ, Nam Định, Hà Nam, Nghệ an, Hải Phòng, Kiên giang, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Sóc Trăng... có một lộ trình thực hiện Chỉ thị 16 và thực hiện nghiêm Chỉ thị 15. Quyết định nhóm này phụ thuộc vào tình hình thực tiễn đến này 22/4. Nhóm nguy cơ thấp gồm 36 địa phương còn lại tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết sẽ có một Chỉ thị mới triển khai các nhiệm vụ cụ thể.
Mặc dù đạt được các thành tích tốt trong phòng, chống dịch, nhưng Thủ tướng lưu ý, dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp. Trong nước vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong xã hội và có thể bùng phát dịch bất kỳ lúc nào. Do đó không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Phải tiếp tục quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc; thực hiện tốt mục tiêu ưu tiên cao nhất là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Nếu làm điều gì khinh suất, bị động, sẽ xóa đi thành quả to lớn mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã chung sức mang lại thời gian qua. Do đó phải có biện pháp thận trọng, phù hợp để từng bước đưa cuộc sống trở lại với hình bậc thang với yêu cầu phòng dịch chặt chẽ, kịp thời. Bởi chống dịch cần nguồn lực rất lớn và đảm bảo sự ổn định, đảm bảo an sinh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chiến lược phòng chống dịch hiệu quả phải bảo đảm duy trì sự liên tục của nền kinh tế ở mức độ nhất định, khơi thông nền kinh tế khi ngăn chặn dịch thành công. Chính phủ kiên định chiến lược ngăn chặn, phát hiện nhanh, cách ly, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả. Kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế tối đa các ca tử vong, hạn chế tối đa tác động của dịch với kinh tế, xã hội, chuẩn bị kịch bản sẵn sàng cho từng cấp độ dịch. Trong chỉ đạo cần từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng, đồng bộ, bước đi phù hợp với từng tỉnh, thành phố và địa phương. Các biện pháp linh hoạt nhưng phải kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện mục tiêu kép trong phát triển, đó là vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.