Thứ Năm, ngày 12 tháng 9 năm 2024

Tìm giải pháp tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công

TS Trần Du Lịch phát biểu khai mạc diễn đàn

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 15/8, Báo Người Lao động tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 phiên thứ 3 với chủ đề “Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công” nhằm tìm kiếm giải pháp khả thi, hiệu quả để thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS Trần Du Lịch cho rằng Báo Người Lao động mở diễn đàn kinh tế là một chủ trương rất đúng, bám sát chủ đề nóng của đất nước, đúng trọng tâm của Chính phủ từ giai đoạn hậu Covid-19 đến nay.

Theo TS Trần Du Lịch, trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế là đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu thì đầu tư công đang là vấn đề rất nóng. Đây là động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhưng hiện nay, tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được” khiến cho tỷ lệ giải ngân thấp. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước mới giải ngân được gần 30% và TPHCM thậm chí mới 15%.

Giải ngân đầu tư công tốt sẽ kích tổng tăng trưởng quốc gia theo cấp số nhân, càng đưa dòng tiền sớm vào thị trường thì tính lan tỏa càng sớm, đem lại hiệu quả càng cao. Trong các vấn đề vướng mắc nổi lên là về cơ chế, giải phóng mặt bằng, khó khăn trong nguyên vật liệu…

TS Trần Du Lịch đặt vấn đề vì sao cùng cơ chế, nhưng tại sao chỗ này làm được, chỗ kia không làm được; bộ, ngành, địa phương này làm được, bộ, ngành, địa phương kia không làm được; chỗ làm nhanh, chỗ không giải ngân được?...

Các chuyên gia cũng chỉ ra, trong công tác giải ngân đầu tư công, hiện nay quy trình thủ tục còn phức tạp, nhiều cấp, nhiều bên tham gia…trong bối cảnh, cán bộ công chức đâu đó vẫn còn tâm lý sợ sai. Đặc biệt khâu giải phóng mặt bằng, định giá đất hiện đang gặp rất nhiều khó khăn và nhạy cảm; nhiều dự án gặp khó khăn trong khâu nguyên vật liệu, nhất là về cát san lấp… thậm chí nhiều dự án khi đang triển khai còn vướng quy hoạch.

Từ đó, các chuyên gia đề xuất cần phải đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tập trung vào một đầu mối quyết định. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương trong việc xác định giá đất, điều chỉnh quy hoạch. Cần có cơ chế cho phép nhà thầu, chủ đầu tư chủ động phối hợp với địa phương khai thác nguồn vật liệu, sử dụng vật liệu mới. Xây dựng cơ chế đặc thù cho các dự án đầu tư liên vùng, phân bổ nguồn vốn hợp lý. Ngoài ra, cần khuyến khích áp dụng các mô hình đầu tư mới như BT, BOT với cơ chế quản trị rủi ro và phân chia lợi ích hợp lý.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng Phòng Kế hoạch - Hợp đồng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết: Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành là dự án metro đầu tiên của TPHCM. Dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, đồng thời sử dụng vốn ODA Nhật Bản nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện dự án đang bước vào giai đoạn vận hành khai thác.

Qua dự án này, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM - chủ đầu tư đã thấy một số kinh nghiệm dự án tiếp theo, như: Giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguồn vốn dự án để triển khai hiệu quả và giải ngân tốt. Trong đó, điều kiện cần là mặt bằng sạch và nguồn vốn dự án phải thực sự sẵn sàng.

Các đại biểu tham dự diễn đàn Các đại biểu tham dự diễn đàn

Về nguồn vốn, dự án metro số 1 sử dụng nguồn vốn ODA, liên quan đến kế hoạch vốn, vay lại của thành phố, một số thủ tục phải thông qua thành phố để báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và quy định riêng của nhà tài trợ, gặp độ trễ nhất định. Do áp dụng quy định nêu trên nên khi thực hiện lại các thủ tục kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng tiến độ giải ngân dự án. Sử dụng vốn ODA phụ thuộc nhất định vào công nghệ, vật liệu, thiết bị của nhà tài trợ.

Đối với dự án ODA, đàm phán hợp đồng cần phải chặt chẽ. Ngoài áp dụng quy định mẫu, đồng thời tuân thủ pháp luật Việt Nam, kiểm tra thanh tra và các ý kiến cơ quan chức năng. Quy định rõ về nghĩa vụ các chủ thể tham gia dự án.

Đối với tuyến metro số 2, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành. Công tác thi công, di dời kỹ thuật dự án đang ở tỉ lệ thấp do chưa triển khai hiệu quả gói thầu chính của dự án.

Khi thực hiện tuyến số 2, công tác giải phóng mặt bằng được ưu tiên hàng đầu để chuẩn bị mặt bằng sạch của dự án, công tác này đã được hỗ trợ rất tốt ở các địa phương, các quận huyện cơ bản hoàn thành đến 98%.

Về công tác lựa chọn nhà thầu, đây là dự án đô thị cấp đặc biệt, các gói thầu tư vấn chính cần đấu thầu quốc tế, lựa chọn tư vấn kinh nghiệm lựa chọn tư vấn dự án, thiết kế giao diện phù hợp quy mô, tính chất đường sắt đô thị.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM cho rằng, đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, hoạt động này có tác động tích cực đến tín dụng và tăng trưởng tín dụng của các Ngân hàng thương mại với 2 phương diện là, tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho việc triển khai thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các chương trình phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, trong quá trình này, khi các dự án đầu tư công được thực hiện, sẽ kéo theo nhiều ngành lĩnh vực, sản xuất, thương mại và dịch vụ có liên quan phát triển, yếu tố này cũng làm gia tăng nhu cầu vốn và kích thích tăng trưởng tín dụng. Đây là tác động tích cực nhất đối với tăng trưởng tín dụng nhìn ở góc độ môi trường kinh tế - xã hội và đặt trong mối liên hệ: Ngân hàng – khách hàng và nền kinh tế.

Thực tế các dự án, công trình lớn như hạ tầng giao thông, đường xá và xây dựng sân bay; các dự án năng lượng và quốc kế dân sinh; điện, đường, trường, trạm... đều là các dự án có sự tham gia của vốn tín dụng ngân hàng đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tác động tích cực ngược trở lại đối với tăng trưởng tín dụng.

Bên cạnh đó, tạo sự tuần hoàn và lưu chuyển vốn trong nền kinh tế thuận lợi. Đây không chỉ là yếu tố quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công mà còn kích thích và tăng khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng: Mấu chốt, quan trọng là đẩy nhanh tiến độ để đưa các dự án đấy vào triển khai và cuối cùng là sử dụng được. Lúc bấy giờ giá trị đầu tư không phải chỉ là những con số để làm đẹp cho mục tiêu tăng trưởng mà điều quan trọng là tính lan tỏa, tính thu hút các đầu tư tư nhân và tính lan tỏa sang các ngành, các lĩnh vực khác. Đặc biệt là sự đồng bộ, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội thì đấy mới là cái điều quan trọng của các cái dự án đầu tư công nói chung và dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nói riêng.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo