Kiểm tra sức khỏe cho người dân tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. (Thanhuytphcm.vn) – Ngày 20/9, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp Hội Y tế công cộng TPHCM tổ chức Hội nghị về “Vai trò y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu”.
Tại chương trình, nhiều ý kiến cho rằng, TP cần tập trung củng cố trạm y tế và xây dựng lại mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng để thực hiện tốt chăm sóc y tế ban đầu theo nguyên lý y học gia đình. Cùng với đó là kết nối trạm y tế với hệ thống y tế chung đảm bảo chăm sóc liên tục cho người bệnh.
Là nơi phát hiện bệnh sớm nhất
Tại chương trình, BSCKI Nguyễn Ngọc Thùy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) thông tin, hiện TP có 132 bệnh viện; 22 Trung tâm y tế; 310 trạm y tế với hơn 40.000 giường. Hiện nay, có 181/310 trạm y tế, 15/22 trung tâm y tế tham gia khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Thông tin về thực trạng hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm, BS.CKI Nguyễn Ngọc Thùy Dương cho biết, hiện bệnh không lây nhiễm còn 70-80% chưa được quản lý điều trị. Nhóm bệnh nhân đã được chẩn đoán điều trị hầu hết đến các bệnh viện, chỉ một số ít đến trạm y tế. Trong khi trạm y tế được giao quản lý bệnh không lây nhiễm. Vì vậy, sự can thiệp để phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh này thì vai trò của trung tâm y tế/ trạm y tế còn rất ít. “Nếu thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ cho phép cung cấp dịch vụ thiếu yếu với số lượng lớn cho bệnh nhân”. – BS. CKI Nguyễn Ngọc Thùy Dương cho biết.
Về nhân lực, Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND đã giúp thu hút các lực lượng bác sĩ về hưu; bác sĩ mới ra trường; bác sĩ y học dự phòng và nhân lực hỗ trợ… làm việc tại các trạm y tế. Cùng với đó, việc đảm bảo các điều kiện đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao năng lực trong khám chữa bệnh ban đầu được tập trung tháo gỡ. Vấn đề còn lại hiện nay là về chính sách bảo hiểm y tế, cơ chế tài chính, kết nối liên thông dữ liệu…
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của y tế cơ sở, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, đây là nơi phát hiện bệnh sớm nhất. Đa số người dân có thể tiếp cận. Đây cũng là nơi thể hiện sự tích hợp chặt chẽ giữa y học điều trị và y học dự phòng, nơi thể hiện tính toàn diện trong chăm sóc sức khỏe, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và chăm sóc ít tốn kém.
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cho biết, chăm sóc sức khỏe là nội dung hoạt động chính và là một chức năng quan trọng nhất của y tế cơ sở và phải được thể chế hóa thành văn bản cấp nhà nước để hướng dẫn y tế cơ sở thực hiện. Đồng thời, phải được cập nhật định kỳ sau từng khoảng thời gian cho phù hợp với tình hình.
Đề cập đến vai trò của học thuật đối với chăm sóc sức khỏe ban đầu, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng đã nêu một số yếu tố trong học thuật chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đó là chăm sóc cả người lành và người mắc các bệnh tật phổ biến trong cộng đồng, người dân dễ tiếp cận nhất. Bệnh được phát hiện sớm nhất. Việc sơ cấp cứu được tiến hành nhanh nhất. Bên cạnh đó là dựa vào 4 tại chỗ: cơ sở hạ tầng tại chỗ, nhân lực thường trực tại chỗ, thiết bị có sẵn tại chỗ, thuốc thiết yếu có sẵn tại chỗ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Cần thiết xây dựng các mô hình thí điểm
Nhấn mạnh việc TPHCM cần thiết phải khẳng định chủ trương thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, TS. BS. Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM cho rằng, ngành y tế TP cần tập trung củng cố trạm y tế và xây dựng lại mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng để thực hiện tốt chăm sóc y tế ban đầu theo nguyên lý y học gia đình. Cùng với đó là kết nối Trạm Y tế với hệ thống y tế chung đảm bảo chăm sóc liên tục cho người bệnh và cùng với cộng đồng xác định các nhu cầu ưu tiên về dân sinh và tham gia giải quyết.
TS.BS Lê Trường Giang đề xuất, để làm được chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, ngành y tế cần thiết xây dựng các mô hình thí điểm. Trong đó, có mô hình trạm y tế đảm đương nhiệm vụ một trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cùng với đó là mô hình phòng khám bác sĩ gia đình dựa vào cộng đồng đảm bảo kết nối chăm sóc liên tục cho người bệnh.
Trao đổi về nội dung vai trò của bác sĩ gia đình trong chăm sóc sức khỏe, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, tình trạng các bệnh viện quá tải do tuyến 1 không hiệu quả, người bệnh dồn lên tuyến trên. Vì vậy, rất cần mạng lưới bác sĩ gia đình gần với người dân phối hợp bác sĩ chuyên khoa khác. Cần bác sĩ gia đình tại y tế tuyến cơ sở.
“Triển khai mạng lưới phòng khám Bác sĩ gia đình hoạt động hiệu quả không những giúp khắc phục triệt để tình trạng quả tải bệnh viện mà còn góp phần cải tổ hệ thống y tế.” - PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp cho biết.
Bác sĩ gia đình là bác sĩ chuyên khoa có kiến thức tổng quát, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn diện, liên tục, cho cá nhân, gia đình và cộng đồng xung quanh phòng khám của mình. Đây là lực lượng chăm sóc ban đầu, chuyển bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa khác khi cần thiết, và có đầy đủ hồ sơ sức khỏe của từng bệnh nhân.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, hiện nước ta chưa có tính đồng bộ và hệ thống để quản lý mô hình này. Nếu mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình hoạt động hiệu quả, không những giúp khắc phục triệt để tình trạng quả tải bệnh viện mà còn góp phần cải tổ hệ thống y tế. Các bộ ngành liên quan, các trường khối sức khỏe, y tế cơ sở và bảo hiểm y tế cần chung tay xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình, góp phần tăng cường cho y tế cơ sở; cần có hệ thống chính sách thu hút nhân lực. Cùng với đó, có chính sách liên quan người sử dụng dịch vụ bác sĩ gia đình, lấy bệnh nhân và người dân làm trung tâm; có cơ chế phù hợp phát triển bảo hiểm y tế… Đối với nhân lực chuyên trách phòng khám bác sĩ gia đình cần được đào tạo với loại hình phù hợp và có lịch khám cố định. Có chính sách phù hợp để thu hút đội ngũ kế thừa; danh mục thuốc phù hợp với quy mô hoạt động; giá dịch vụ phù hợp.