Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) (Thanhuytphcm.vn) – Ngày 4/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Các đại biểu Quốc hội (ĐB) đều đánh giá, với sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực ở hầu hết các lĩnh vực. GDP 9 tháng ước đạt 6,82%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch và đặc biệt là chỉ tiêu tăng năng suất lao động, sau 3 năm không đạt thì 9 tháng đầu năm 2024 đã vượt kế hoạch.
Tuy nhiên, kinh tế xã hội nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần phải có các giải pháp quyết liệt hơn để tổ chức thực hiện. Đơn cử như về giải ngân vốn đầu tư công có tích cực nhưng chưa đạt kế hoạch, tỷ lệ giải ngân chung cả nước 9 tháng đầu năm là 47,29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Các ĐB đề nghị Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân và từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) ĐB Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng, số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn, nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, thông qua thương mại điện tử và mạng xã hội.
Để hoàn thành các mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị cần quan tâm đến các sản phẩm nông sản, thủy sản, công nghệ số mang thương hiệu Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ... Theo ĐB, việc Quốc hội chuẩn bị thông qua các dự án luật, nghị quyết tại kỳ họp này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế…
Phiên họp sáng 4/11 ĐB Trần Thị Quỳnh (Nam Định) cho rằng, nhu cầu của nền kinh tế còn yếu, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, chi đầu tư công còn chậm... ĐB đề xuất giảm thuế VAT, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nới lỏng có thực chất chính sách tài khóa, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai. Mặt khác, lạm phát tăng trong 4 năm qua nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng. Do đó, ĐB đề nghị nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế nhằm tăng thu nhập khả dụng cho người chịu thuế, góp phần cải thiện chi tiêu, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Về chính sách tiền tệ, cần nới lỏng thực chất chính sách tiền tệ, ngân hàng Nhà nước nên có các gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp ở một số ngành mà chúng ta cần đẩy mạnh như nông nghiệp và thủy sản, du lịch, chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ hơn để triển khai nhanh chóng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội và nên có doanh nghiệp Nhà nước cùng tham gia thực hiện mục tiêu này. Ngoài ra, cần tăng vốn quyết liệt hơn, tăng cường khả năng cho vay của ngân hàng thương mại, giúp ổn định đồng USD nhằm hạn chế tình trạng găm giữ USD cũng như cải thiện khả năng cho vay của ngân hàng thương mại.
Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự Phiên họp ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị quan tâm đến việc chống lãng phí trong bộ máy công quyền. Theo ĐB Mai Thị Phương Hoa, tình trạng này có những nguyên nhân chủ yếu sau: còn có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội; có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước không hiệu quả nhưng trên thực tế có lãng phí về cơ hội và thời gian.
Bên cạnh đó, bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ, ngành mình vào trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động nhưng do cách làm cán bộ, sự tính toán chủ quan, sự không tuân thủ đầy đủ các quy trình phụ thuộc nên một số dự án mới đem lại hiệu quả không mong muốn. Đặc biệt, chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao… Do đó, ĐB Phương Hoa đề xuất phải có chế tài xử lý lãng phí đủ tính răn đe.
Về các vấn đề xã hội, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề xuất cần có biện pháp ngăn chặn hiệu quả các vụ lừa đảo và đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Theo ĐB, với sự gia tăng sử dụng các nền tảng mạng xã hội hiện nay, nhiều trường hợp bị lừa đảo đã xảy ra; đặc biệt là quyền riêng tư của người dùng dễ bị xâm phạm, thông tin cá nhân dễ bị lạm dụng và mua bán công khai trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 50% so với cùng kỳ 2023, gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội. Từ thực trạng trên, ĐB Trần Quốc Tuấn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung chỉ đạo có biện pháp chủ động phòng ngừa hiệu quả và xử lý kịp thời những vụ án khi phát hiện.