Công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến quan trọng
Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt cho biết, sau 5 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN), công tác PCTN đã có bước tiến quan trọng, mạnh mẽ với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt kết quả tích cực, toàn diện, đồng bộ; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao.
Theo đồng chí Lê Tiến Đạt, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác PCTN, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh PCTN với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Kết quả tích cực của công tác PCTN đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Trong 5 năm qua, hơn 34,6 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân được phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) với hơn 965.000 lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTNTC được tổ chức và trên 4,1 triệu cuốn sách, tài liệu về PCTNTC được phát hành.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức kiểm tra tại 139.208 cơ quan, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện và xử lý 1.445 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm. Toàn quốc đã có 235.271 công chức, viên chức chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 37.032 cuộc thanh tra hành chính và 935.196 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 34.589 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có hơn 9.000 kết luận thanh tra đã hoàn thành. Các cơ quan hành chính tiếp nhận 1.178.622 đơn các loại, đã xử lý 1.133.558 đơn, có 944.971 đơn đủ điều kiện xử lý.
Trong giai đoạn 2020 – 2024, có 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng
Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về các chủ trương, chính sách và chỉ đạo của Trung ương trong công tác PCTNTC; công tác kiểm soát tài sản, thu nhập và việc phát hiện, xử lý tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực; công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng… Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật cũng như các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật về PCTN…
Chia sẻ về chuyên đề “Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải cho biết, trong 5 năm qua, công tác đấu tranh PCTNTC được Thành ủy và UBND TP xác định là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của TP. Thành ủy và UBND TP lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ, không chủ quan lơ là. Với phương châm: “lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, đột phá; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực”… Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn TP đã thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và đạt được một số kết quả.
Đồng chí Dương Ngọc Hải tham luận tại hội nghị Theo đó, trong 5 năm, TP đã tổ chức 1.620 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 214 người/98 vụ vi phạm với tổng số tiền vi phạm đã được thu hồi, bồi thường hơn 11,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TP đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn đối với 6.589 cơ quan, tổ chức, đơn vị, qua đó phát hiện 25 trường hợp vi phạm và đã xử lý theo quy định. Có 5.056 trường hợp công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác...
Cũng theo đồng chí Dương Ngọc Hải, trong 5 năm, TPHCM đã phát hiện, xử lý kỷ luật 14 vụ/16 trường hợp sai phạm liên quan hành vi tham nhũng qua công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị. Qua công tác thanh tra đã phát hiện và xử lý 4 vụ/19 người có liên quan hành vi tham nhũng. Ngành Công an TPHCM đã thụ lý điều tra 211 vụ, 562 bị can về các tội danh tham nhũng; đề nghị truy tố 132 vụ, 453 bị can; Tòa án nhân dân 2 cấp thành phố đã đưa ra xét xử 133 vụ án/257 bị cáo. Trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống TNTC và Ban Chỉ đạo phòng, chống TNTC TPHCM theo dõi chỉ đạo.
Về công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng đạt những kết quả tích cực, TP đã thu hồi trong công tác điều tra đạt gần 3.000 tỷ đồng; giai đoạn truy tố, xét xử đạt trên 17.700 tỷ đồng, giai đoạn thi hành án đạt 60.000 tỷ đồng.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập về công tác PCTNTC trong thời gian tới, đồng chí Dương Ngọc Hải kiến nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện pháp luật các cơ chế về PCTNTC; thể chế hoá các nội dung chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC. Đối với công tác xác minh tài sản, thu nhập, cần ban hành Thông tư quy định về trình tự, thủ tục tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập; trong đó, cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; đồng thời, có quy định xác định cụ thể đối với từng hành vi kê khai, giải trình không trung thực về tài sản, thu nhập tăng thêm; hành vi kê khai không đầy đủ, không rõ ràng…
Đồng thời, sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập tập trung, thống nhất, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, đồng thời có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Đối với doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, cần ban hành Thông tư quy định về trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp…
Xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực
Kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong ghi nhận và đánh giá cao sau 5 năm triển khai thực hiện Luật PCTN đã đạt được kết quả quan trọng, tích cực.
Trong thời gian tới, đồng chí Đoàn Hồng Phong đề nghị các bộ, ngành, địa phương xác định rõ, PCTNTC là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Trong đó, cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng; ưu tiên triển khai ngay việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bộ máy nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cùng với quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương qua tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, tăng cường giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong PCTNTC.
Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng đề nghị siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Ngoài ra, đồng chí Đoàn Hồng Phong cũng đề nghị cần triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTNTC theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo; tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực…