Thứ Năm, ngày 26 tháng 12 năm 2024

Chính phủ và Quốc hội cùng nhau sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Hội nghị do Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hoàn thiện thể chế phát triển là một trong ba đột phá chiến lược, thể chế là "đột phá của đột phá", là nguồn lực, động lực phát triển. Quốc hội, Chính phủ đã cùng nhau thực hiện chủ trương của Đảng, đã dành nhiều thời gian, nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế nhưng đến nay, thể chế vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn".

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật và 17 nghị quyết điều hành kinh tế, xã hội) với sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Trong đó, nhiều luật, nghị quyết liên quan các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, như: đầu tư; tài chính, ngân sách, thuế; an sinh xã hội; quốc phòng, an ninh.

Theo Thủ tướng, ngay sau kỳ họp thứ 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật, cụ thể là tuyên truyền, phổ biến pháp luật; ban hành kế hoạch; phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết…

Thủ tướng cho rằng, thực tiễn chứng minh việc đưa các chính sách vào cuộc sống và phát huy hiệu quả luôn là thách thức lớn. Do đó, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện yêu cầu "gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả"; đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, khối lượng công việc cần thực hiện thời gian tới là rất lớn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có nhiệm vụ ban hành 130 văn bản với 569 nội dung giao quy định chi tiết. Việc triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh cần phát huy hơn nữa tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, lắng nghe, thể chế phải đi trước, mở đường cho những đột phá phát triển; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cương quyết xóa bỏ cơ chế "xin cho", không tạo ra hệ sinh thái "xin-cho", loại bỏ những quy định cản trở sự phát triển, làm chậm lại tiến trình đổi mới, cương quyết cắt bỏ các thủ tục rườm rà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong số các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 8, có những luật mới, khó, có nội dung phức tạp nhưng đã được Quốc hội xem xét, thông qua ngay trong 1 kỳ họp mà thông thường phải theo quy trình 2 kỳ họp như Luật Đầu tư công, Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Dữ liệu…

Các luật, nghị quyết được thông qua đã thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; chuyển tư duy từ xây dựng pháp luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý hiệu quả với kiến tạo phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, như Luật Đầu tư công 2024, luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách….

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua rà soát sơ bộ, hiện có gần 700 nội dung được giao trong 18 luật và 10 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ở Trung ương và chính quyền địa phương quy định chi tiết. Đây là thách thức rất lớn khi đặt trong bối cảnh các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện đang tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội cuối tháng 2/2025; đồng thời triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với số lượng lớn dự án luật, nghị quyết cần chuẩn bị để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, không tránh khỏi có sự xáo trộn nhất định trong tổ chức, hoạt động của một số bộ, cơ quan. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, ban hành văn bản không để gián đoạn công tác xây dựng, ban hành văn bản. Sau sắp xếp, cơ quan mới tiếp nhận nhiệm vụ cần kế thừa kết quả, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để đảm bảo văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành đúng thời hạn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về đổi mới tư duy lập pháp, xây dựng luật ngắn gọn, đúng thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa quy định của nghị định, thông tư, bảo đảm luật có tính ổn định, có giá trị lâu dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quy định để linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể...

Riêng đối với việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành mới các luật, nghị quyết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, dự kiến có khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có 167 luật, 9 nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 829 nghị định, 271 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 3.642 văn bản cấp bộ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan khẩn trương tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và phương án cụ thể để xem xét, bổ sung vào Chương trình; kịp hoàn thiện, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp bất thường cuối tháng 2/2025, đảm bảo chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo