Thứ Ba, ngày 17 tháng 9 năm 2024

Thực trạng chương trình đào tạo ngành Văn hóa học

PGS.TS Trần Văn Ánh cho rằng chương trình đào tạo cần nghiên cứu bỏ bớt những môn học không cần thiết

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 26/5, Khoa Văn hóa học và Khoa Truyền thông Trường Đại học (ĐH) Văn hóa TPHCM tổ chức tọa đàm “Thực trạng chương trình đào tạo ngành Văn hóa học so với Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ban hành ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Tọa đàm thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên các trường ĐH, các đơn vị văn hóa công lập và tư nhân, doanh nghiệp và đông đảo sinh viên…

Tọa đàm là diễn đàn để giảng viên, sinh viên tham vấn chuyên gia, các bên liên quan cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT, trên cơ sở tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi và định hướng ứng dụng của Trường ĐH Văn hóa TPHCM.

Theo ThS. Lê Thị Hồng Quyên, Phó Trưởng khoa Văn hóa học Trường ĐH Văn hóa TPHCM, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội là một trong những yêu cầu cần thiết hiện nay. Sự vận động không ngừng của đời sống xã hội đã và đang buộc các cơ sở đào tạo phải có lộ trình cải tiến chất lượng đào tạo, trong đó cải tiến chương trình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Đây vừa là một nhiệm vụ, vừa là quá trình liên tục nhằm từng bước hoàn thiện chương trình đào tạo phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ cũng như những đòi hỏi thực tiễn. Nhằm đánh giá, soi chiếu thực trạng chương trình đào tạo ngành Văn hóa học hiện hành so với Thông tư 17, tọa đàm được tổ chức để tham vấn ý kiến chuyên gia, các bên liên quan về mục tiêu, chuẩn đầu ra, thực trạng của chương trình, từ đó có cơ sở để cải tiến chương trình đào tạo, khắc phục những điểm vênh của chương trình so với yêu cầu của Thông tư 17.

Toàn cảnh tọa đàm Toàn cảnh tọa đàm

Được xây dựng và ban hành lần đầu năm 2007, qua các lần điều chỉnh, cải tiến vào năm 2015, 2018, 2020, chương trình đào tạo bậc ĐH ngành Văn hóa học đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu xã hội và các bên liên quan, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa, công nghiệp văn hóa và truyền thông văn hóa cho khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Hiện ngành Ngành Văn hóa học bậc ĐH của Trường ĐH Văn hóa TPHCM hiện có 3 chuyên ngành: Văn hóa Việt Nam (đào tạo từ năm 2007), Truyền thông văn hóa (từ 2012) và Công nghiệp văn hóa (2018). Đến nay đã có 12 khóa sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Văn hóa Việt Nam, 7 khóa sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Truyền thông văn hóa và 1 khóa sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Công nghiệp văn hóa.

Theo Ban Tổ chức, khung chương trình đào tạo ngành Văn hóa học trình độ ĐH đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Về mặt kiến thức, chương trình nhằm trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn phù hợp với lĩnh vực văn hóa, kiến thức của ngành Văn hóa học để thực hiện việc nghiên cứu, quản lý, tổ chức các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa. Về mặt kỹ năng, chương trình trang bị cho người học những kỹ năng nghiệp vụ về nghiên cứu, quản lý các hoạt động văn hóa xã hội; tổ chức hoạt động sáng tạo, sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa; ngoại ngữ và công nghệ thông tin để có thể làm việc trong môi trường đa văn hóa toàn cầu. Về mặt năng lực tự chủ và trách nhiệm, chương trình nhằm hình thành ý thức trách nhiệm về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn đáp ứng nhu cầu xã hội; ý thức xây dựng, bảo vệ, và phát triển nền văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập; từ đó, phát huy năng lực và tư duy sáng tạo của người học.

Tại tọa đàm, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao chương trình đào tạo được hội đồng khoa học xây dựng chỉnh chu, cơ bản đáp ứng nhu cầu và mang tính khoa học. Các đại biểu cũng đã trao đổi, góp ý nhiều nội dung như cần giảm thời lượng các môn lý thuyết mà tăng cường tính thực hành, bổ sung nội dung đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành, tăng cường kiến thức pháp luật, kiến thức hành chính, kỹ năng soạn thảo văn hóa, kỹ năng mềm, triết lý cuộc sống, các môn về đạo đức nghề nghiệp,…

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo Dài, nguyên là Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh bày tỏ: “Tôi đánh giá cao chương trình đào tạo của Khoa Văn hóa học và tin tưởng rằng sinh viên tốt nghiệp từ khoa sẽ phát huy được những điều các em đã học hỏi, trải nghiệm trong nhà trường và thiết thực góp phần trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa”.

Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, ngày nay tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan đến văn hóa điều cần nhân lực sử dụng được ngoại ngữ tương đối thành thạo để trình bày, giới thiệu, quảng bá nội dung, sản phẩm, thành tích của đơn vị mình với đối tác quốc tế. Vì vậy, việc đào tạo ngoại ngữ cần được chú trọng đủ để sinh viên phỏng vấn xin việc thành công và bắt đầu công việc ở cơ quan văn hóa không quá khó khăn.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Hãng Phim Giải phóng cho rằng, nhà trường nên đào tạo các kiến thức căn bản về văn hóa. Từ những kiến thức cơ bản trong chương trình đào tạo này, khi sinh viên ra thực tế, tiếp cận môi trường bên ngoài sẽ biết cách ứng dụng, từ đó tiếp tục trau dồi, tự học để đi sâu vào chuyên ngành công tác. “Tôi nghĩ không nên tập trung quá vào các ngành lý thuyết, vì không áp dụng được nhiều, để thích ứng quá trình hội nhập, sinh viên cần được cọ xát thực tế. Nhà trường nên liên kết với các đơn vị hoạt động trong cùng lĩnh vực ngành văn hóa, ví dụ bảo tàng, hãng phim, đài truyền hình… để các em tích lũy kiến thức thực tế, sau này ra trường làm việc ít bỡ ngỡ hơn”, ông Nguyễn Tiến Hưng phân tích.

Giám đốc Bảo tàng Áo Dài Huỳnh Ngọc Vân góp ý kiến chương trình đào tạo Giám đốc Bảo tàng Áo Dài Huỳnh Ngọc Vân góp ý kiến chương trình đào tạo

Theo PGS.TS Trần Văn Ánh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TPHCM, hiện nay trình độ học sinh phổ thông đã nâng lên và điều chỉnh theo chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, do đó ngay từ cấp phổ thông, học sinh đã được đào tạo những kiến thức nền vững chắc. Căn cứ chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, nhà trường nghiên cứu xây dựng tuyển sinh đầu vào, chương trình đào tạo cũng như chuẩn đầu ra cho sinh viên, để xem xét xem sinh viên ngành Văn hóa học thì cần thiết đào tạo những môn học, kiến thức nào… “Tôi nhận thấy rất khó để đưa vào chương trình đào tạo ĐH hết tất cả các ngành, các môn, lĩnh vực như mọi người mong muốn. Do đó hội đồng khoa học xây dựng chương trình đào tạo cần biết sắp xếp bổ sung và nghiên cứu bỏ bớt những môn học không cần thiết, tránh dạy dàn trải”, PGS.TS. Trần Văn Ánh nói.

TS. Lê Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Truyền thông Trường ĐH Văn hóa TPHCM cho biết trên cơ sở những góp ý xây dựng về chương trình đào tạo của các chuyên gia, đại diện các trường, đơn vị nghiên cứu, đơn vị tuyển dụng và giảng viên, sinh viên, Ban Tổ chức sẽ điều chỉnh, bổ sung để nhanh chóng hoàn chỉnh chương trình đào tạo.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo