Thứ Sáu, ngày 13 tháng 9 năm 2024

Thực hiện đồng bộ và hiệu quả để xây dựng nền công nghiệp âm nhạc thiếu nhi bền vững tại TPHCM

Các đại biểu tham dự hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 16/8, Hội Âm nhạc TPHCM phối hợp Nhà Thiếu nhi TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Âm nhạc Thiếu nhi ở TPHCM”. Hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động Ngày hội Âm nhạc TPHCM lần thứ I năm 2024 và hướng đến việc biên soạn tài liệu “50 năm hình thành, phát triển của Hội Âm nhạc TPHCM”.

Hội thảo “Âm nhạc Thiếu nhi ở TPHCM” nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi, đóng góp, tập hợp những ý kiến về “Âm nhạc Thiếu nhi ở TPHCM”, từ đó đưa ra phương hướng hoạt động thiết thực, có chiều sâu hơn về mảng âm nhạc thiếu nhi cũng như có ý kiến đề xuất với lãnh đạo cấp trên và định hướng phối hợp với các cơ quan đơn vị phụ trách thiếu nhi trên địa bàn TPHCM. 

PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, Chi hội trưởng Chi hội Lý luận - Đào tạo cho rằng, TP có hoạt động âm nhạc sôi nổi nhất nước, TP cũng là nơi cho ra đời nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, nơi có nhiều hoạt động âm nhạc dành cho thiếu nhi, là nơi có nhiều trung tâm dạy nhạc cho thiếu nhi, nơi sản xuất - có nhiều sản phẩm âm nhạc thiếu nhi được công bố, lưu hành... nhất Việt Nam. Âm nhạc thiếu nhi luôn là điểm hội tụ những quan tâm của các nhạc sĩ sáng tác, của nhiều cơ quan quản lý nhà nước (như Sở Giáo dục - Đào tạo, Thành Đoàn TPHCM, Trung tâm Văn hóa, Nhà Thiếu nhi...) và đặc biệt là các nhà sản xuất chương trình âm nhạc thiếu nhi. Âm nhạc thiếu nhi cũng là quan tâm cho các bậc cha mẹ, của toàn xã hội bởi chức năng của âm nhạc là giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ, cảm xúc, giải trí...

Hội thảo tập trung một số nội dung chính: Nhận diện giá trị trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi, tập trung vào các hướng giá trị nhận thức, giáo dục, văn hóa, giải trí và nghệ thuật (giai điệu, tiết tấu, ca từ...); thực trạng hoạt động biểu diễn âm nhạc dành cho thiếu nhi trên cả nước và đặc biệt ở TPHCM; hoạt động tổ chức biểu diễn trên các phương diện: hệ thống truyền thông đại chúng, các Trung tâm Văn hóa, các Nhà Thiếu nhi, khu vực giáo dục phổ thông; những tác động của quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đối với âm nhạc dành cho thiếu nhi; những kinh nghiệm tổ chức chương trình biểu diễn âm nhạc thiếu nhi trên thế giới; xu hướng tiếp thu, biến đổi văn hóa âm nhạc trong các lĩnh vực giáo dục, giải trí âm nhạc dành cho thiếu nhi trong đời sống đương đại; đưa ra những giải pháp về sáng tác, tổ chức biểu diễn, giáo dục và đào tạo âm nhạc đối với đối tượng thiếu nhi trong thực tiễn hiện nay hướng đến sự phát triển bền vững và công nghiệp hóa âm nhạc tại TPHCM.

Theo Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông, hiện nay đang thiếu tác phẩm hay cho thiếu nhi, thực trạng âm nhạc thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay cho thấy thiếu những bài hát thiếu nhi mới hay hay phù hợp với giai đoạn hiện nay. Nguyên nhân thiếu vắng các tác phẩm âm nhạc mới và hay dành cho thiếu nhi, một phần do tư duy và năng lực thẩm mỹ về văn học của người sáng tác, một phần do tác giả không chịu đầu tư để tìm hiểu tâm lý lứa tuổi các em. Thêm vào đó, lực lượng nhạc sĩ trẻ có tài ít quan tâm âm nhạc thiếu nhi vì vừa ít tiền lại khó nổi tiếng và thiếu sân chơi giới thiệu sáng tác mới cho thiếu nhi. Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông đề xuất, muốn vực dậy nền âm nhạc thiếu nhi, Hội Âm nhạc nên có nhiều đợt vận động sáng tác bài hát thiếu nhi, tăng cường các bài hát thiếu nhi trong nhà trường, tạo nhiều sân chơi âm nhạc cho thiếu nhi, đầu tư thêm cho phong trào văn nghệ thiếu nhi định hướng cho các em thiếu nhi trở về tuổi thơ hồn nhiên.

Tiến sĩ, đạo diễn Phạm Ngọc Hiền cho rằng, sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi không chỉ là phương tiện giải trí mà còn là công cụ giáo dục, truyền tải văn hóa và nghệ thuật. Các hoạt động biểu diễn âm nhạc phù hợp là cần thiết để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em. Các giải pháp sáng tác, tổ chức biểu diễn, giáo dục và đào tạo âm nhạc phải được thực hiện đồng bộ và hiệu quả để xây dựng nền công nghiệp âm nhạc thiếu nhi bền vững tại TPHCM và trên cả nước.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo