Thứ Tư, ngày 11 tháng 9 năm 2024

Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển

Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 29/8, Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh (thuộc Hiệp hội Đầu tư Xây dựng Dịch vụ Nông Lâm nghiệp Việt Nam) phối hợp với Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng (IIB) và VFA Group tổ chức tọa đàm “Nhận diện dòng tiền và đón sóng bất động sản kết nối hạ tầng cao tốc” nhằm cập nhật thông tin về nhận diện dòng tiền và thị trường bất động sản (BĐS), phân tích về BĐS trên trục hạ tầng cao tốc kết nối từ miền Trung đến miền Đông Nam bộ và miền Tây, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững.

Theo TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học & Kinh tế ứng dụng, hiện thị trường BĐS đang rất nghịch lý khi năm nay dù kinh tế còn khó khăn nhưng dòng tiền vào thị trường BĐS có nhiều triển vọng. Bên cạnh vùng nền của dự án BĐS (dân cư tập trung và sẽ tập trung) thì hoạt động kinh doanh của thị trường BĐS còn lệ thuộc vào dòng tiền đầu tư vào thị trường này… Tuy nhiên, cũng còn những tác động hạn chế dòng tiền vào thị trường BĐS 2024 như: áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp nên dòng tiền hoạt đọng bị thu hẹp; ngân hàng sẽ tăng nợ xấu.

Tính đến tháng 6/2024, tỷ lệ nợ xấu dự kiến 5-7%, làm hạn chế tín dụng với các công ty kinh doanh không tốt. Tổng dư nợ tín dụng đến 30/6/2024 là 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm, tập trung vào tháng 6 với nguồn cung ra hơn 487 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, mức huy động chỉ tăng 1,5% khiến các ngân hàng có thể gặp khó về nguồn vốn.

Tín dụng BĐS hiện chưa thuận lợi, 6 tháng đầu năm là hơn 3 triệu tỷ đồng, chiếm 21,4% tổng dư nợ, tăng 6,8% so với cuối năm 2023; nhưng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS chỉ tăng 1,86% so với cuối năm 2023. Dòng vốn “lũy kế” dư nợ “chôn” nhiều trong dự án lớn so với dòng vốn mới kinh doanh. Đăc biệt, thị trường BĐS có thanh khoản thấp, hàng tồn tăng, tỷ lệ doanh thu/hàng tồn chỉ khoảng 2,3%.

Qua những số liệu trên, TS Đinh Thế Hiển nhận định rằng dòng tiền đầu tư vào thị trường BĐS tiếp tục khó khăn. Trong 2 năm tới 2025 - 2026, dòng vốn quan trọng nhất đầu tư vào BĐS vẫn từ nhà đầu tư và tín dụng ngân hàng. Tín dụng ngân hàng sẽ khả quan từ quý II/2025 nhưng vốn nhà đầu tư sẽ ta mạnh từ quay II/2026.

Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, thời gian qua, thị trường BĐS đã có sự phục hồi tích cực tại một số địa bàn và phân khúc, nguồn cung được cải thiện và giao dịch đã trở lại. Hiệu quả của dự án hạ tầng được hiện thực hóa khi sự phát triển các dự án BĐS đi theo bền vững và có sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, các dự án BĐS sẽ không thể phát huy vai trò hạt nhân của đô thị nếu các dự án hạ tầng giao thông kết nối không được hình thành. Thị trường BĐS vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng pháp lý chưa rõ ràng, các thủ tục hành chính còn phức tạp; việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý của nhiều dự án vẫn đang gặp khó, dẫn đến chậm tiến độ, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.

Dẫu vậy, thị trường BĐS Việt Nam vẫn được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển. Các chuyên gia dự báo rằng, trong những năm tới, thị trường sẽ tiếp tục hưởng lợi từ các dự án hạ tầng giao thông lớn, cũng như các chính sách thúc đẩy phát triển đô thị và công nghiệp của Chính phủ.

An An


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo