Thứ Sáu, ngày 2 tháng 5 năm 2025

Tìm giải pháp phát triển sản phẩm OCOP tại TPHCM

Các đại biểu tham dự hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 23/4, Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển sản phẩm OCOP tại TPHCM”. Chủ trì hội thảo có PGS.TS Nguyễn Văn Y, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP; TS Lê Thị Hồng Hà, Đảng ủy viên, Trưởng Khoa Lý luận cơ sở; ThS. Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Y, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP nhấn mạnh, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một chính sách lớn của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị trên cơ sở phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển bền vững tiêu chí thu nhập, tiêu chí tổ chức sản xuất trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Y cho biết, trong xây dựng nông thôn mới, TPHCM yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện Chương trình OCOP. Đây là một trong 6 chương trình chuyên đề trọng tâm để TP hướng đến mục tiêu thực hiện hiệu quả và thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, TP đã công nhận 333 sản phẩm OCOP của 119 chủ thể, trong đó, 79 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 254 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Lĩnh vực phát triển sản phẩm OCOP được công nhận chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thực phẩm.

PGS.TS Nguyễn Văn Y phát biểu tại hội thảo PGS.TS Nguyễn Văn Y phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp đối với các chủ thể thực hiện chương trình, qua đó gợi mở nhiều cách làm hay, thiết thực để TP có những hướng đi phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới. TS Bùi Thị Ngọc Trang, Giảng viên cao cấp, nguyên Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM đề xuất, cần quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất tham gia chương trình này. Cùng với việc tăng cường phối hợp các đơn vị từ TP đến địa phương, cần gắn phát triển sản phẩm OCOP với du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng; đồng thời có trách nhiệm bảo vệ ý nghĩa của sản phẩm OCOP trên địa bàn TP. Nêu lên một trong những hạn chế hiện nay trong phát triển các sản phẩm OCOP là nhiều người tiêu dùng và cơ sở xuất chưa quan tâm chương trình này, TS Bùi Thị Ngọc Trang cho rằng cần tuyên truyền để mọi người cùng biết đến chương trình này nhiều hơn.

TS Bùi Thị Ngọc Trang phát biểu tại hội thảo TS Bùi Thị Ngọc Trang phát biểu tại hội thảo

TS Nguyễn Minh Nhựt, Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND TP đã nêu lên kết quả một số nghiên cứu của các đơn vị là chỉ có 35% sản phẩm OCOP được phân phối qua siêu thị sàn thương mại điện tử; 60% cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP gặp khó khăn nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động; 40% hộ sản xuất và doanh nghiệp nhỏ được tiếp cận các khoản vay ưu đãi của ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt phát biểu tại hội thảo Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt phát biểu tại hội thảo

Từ thực trạng này, TS Nguyễn Minh Nhựt cho rằng, tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn TP là rất lớn đồng thời đề xuất, cần tăng cường liên kết vùng trong cung ứng nguyên liệu; hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp OCOP; đẩy mạnh quảng bá thương hiêu và mở rộng kênh tiêu thụ. Đối với các chiến dịch quảng bá OCOP nên tận dụng các phương tiện truyền thông số như: mạng xã hội, trang thương mại điện tử và các nền tảng du lịch trực tuyến. TP có thể hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn để xây dựng gian hàng OCOP  trực tuyến giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng toàn quốc và quốc tế.

PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân, Viện Nghiên cứu An toàn và Sức khoẻ Lao động, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Mở TPHCM cho rằng, phải nhìn nhận OCOP không để xoá đói giảm nghèo mà như loại hình để phát triển kinh tế chung của đất nước. Khi nói đến phát triển kinh tế thì phải hiểu đây là hệ sinh thái, không phải là sản phẩm mà phải đi từ khâu đầu đến khâu phân phối. Trong khi đó, hiện chúng ta chỉ tập trung vào khâu sản xuất và tiếp thị phân phối. OCOP không chỉ dừng ở sản phẩm nông nghiệp mà phải coi OCOP là phi nông nghiệp, thậm chí là phi sản phẩm (như dịch vụ). Từ đó thay đổi về tư duy, mở rộng sản phẩm OCOP để phát triển linh hoạt, sát hơn với thực tiễn địa phương hiện nay.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo