Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tháo gỡ vướng mắc để các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ tiếp cận các chương trình hỗ trợ

Các đại biểu tham dự buổi làm việc. (Ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 26/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã có buổi khảo sát tình hình thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa  trên địa bàn TP giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2022. Đồng chí Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP chủ trì buổi khảo sát.

Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp

Báo cáo tại buổi khảo sát, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đào Minh Chánh cho biết, tính đến 30/6/2022 số DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP đang hoạt động là 264.407 DN, chiếm tỷ lệ 97,5% số DN trên địa bàn TP.

Cùng với hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị, thời gian qua, TP đã có chương trình hỗ trợ chính sách lãi vay theo Chương trình kích cầu đầu tư của TP. Đối với triển khai các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Sở Kế hoạch - Đầu tư đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký DN.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP Lê Huỳnh Minh Tú, Sở đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TPHCM triển khai chương trình kết nối giữa ngân hàng thương mại và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Qua đó, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN nhỏ và vừa, các lĩnh vực ưu tiên phát triển DN tham gia mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, DN xuất khẩu, DN công nghiệp hỗ trợ và từng bước mở rộng ra các thành phần kinh tế khác như hợp tác xã, tiểu thương… Cụ thể, năm 2018 chương trình đã giải ngân 269/493 tỷ đồng cho vay 10.092 khách hàng; năm 2019 giải ngân 303.427 tỷ đồng cho vay 8.555 khách hàng; năm 2020 giải ngân 448.683 tỷ đồng cho vay 28.806 khách hàng, năm 2021 giải ngân 464.683 tỷ đồng cho vay 29.018 khách hàng, đến ngày 3/8/2022 có 310.842 tỷ đồng cho vay 24.272 khách hàng.

Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ mặt bằng, hỗ trợ công nghệ cao cho các DN thông qua chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; TP đã hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đối tượng là các truyền thống gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đào Minh Chánh cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi để các quỹ phục vụ sản xuất kinh doanh, trong đó, Quỹ phát triển khoa học công nghệ TP, Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa và Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ tại DN hiệu quả hơn. Cùng với UBND TP nên thành lập Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa trực thuộc UBND TP trên cơ sở tích hợp Trung tâm Hỗ trợ và phát triển DN TP trực thuộc Sở Công thương và Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Hội hiệp DN TP.

Để doanh nghiệp dễ tiếp cận các chương trình hỗ trợ

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho biết, Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ có hiệu lực từ năm 2018. Việc hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa là 1 chiến lược quan trọng. Liên quan đến việc thực hiện Luật này, BHQH Trương Trọng Nghĩa đã chia sẻ thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong đó, khu vực DN nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 98% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ DN cho biết đã nhận được hỗ trợ từ các chương trình đều dưới 8%. Chương trình hỗ trợ có tỷ lệ DN tiếp cận được cao nhất là cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa, nhưng cũng chỉ có 7,34% doanh nghiệp thực tế đã tiếp cận. Chương trình có tỷ lệ DN được thụ hưởng thấp nhất là hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, với chỉ khoảng 4,75% DN đã được thụ hưởng, do phần lớn DN nhỏ và vừa nằm bên ngoài khu công nghiệp nên không được hưởng lợi từ hỗ trợ này. Cùng với đó, có khoảng 51,3% DN trả lời khảo sát PCI 2021 không biết đến Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Trong số các DN biết đến Luật này, chỉ 36,8% DN đã thụ hưởng ít nhất một chương trình hỗ trợ.

Các đại biểu cho rằng cần xem xét kiến nghị nên hay không thành lập Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP, để tập trung hơn trong hỗ trợ tốt hơn các DN nhỏ và vừa trên cơ sở các chính sách đã được ban hành có nhiều nội dung dành riêng DN nhỏ và vừa. Đối với Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa (hoạt động theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa), cần xem xét có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương, nhất là địa phương có số DN nhỏ và vừa đông như TPHCM, có cơ chế cho đặc thù để TP có quỹ này, trên cơ sở lấy từ nguồn quỹ Trung ương phân bổ cho TP. Việc này giúp các DN nhỏ và vừa tại TP dễ dàng tiếp cận hơn.

Phát biểu tại buổi khảo sát, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng đề nghị, với những nội dung liên quan Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, còn thiếu hướng dẫn hoặc chờ hướng dẫn, đang có dự thảo, các sở, ngành của TP cần tham mưu UBND TP góp ý nhanh chóng vào các dự thảo, kiến nghị các bộ ngành sớm có hướng dẫn để triển khai đồng bộ Luật này.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Hiệp hội DN TP và các sở, ngành phải thường xuyên, chặt chẽ hơn; giúp các thành viên của Hiệp hội kịp thời nắm bắt thông tin, quy định của pháp luật, chủ trương của TP liên quan đến DN nhỏ và vừa. Trên cơ sở đó, thực hiện các nội dung theo quy định; đồng thời, ghi nhận khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó, kiến nghị UBND TP và bộ ngành trung ương để thực hiện tốt hơn việc phát triển các DN nhỏ và vừa.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo