Thứ Sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024

Tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh ở lĩnh vực bất động sản

Các diễn giả tham gia thảo luận tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 17/7, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo “Luật Đất đai 2024: Giải pháp thực thi hiệu quả cho nhà đầu tư” vào ngày 17/7/2024, với sự tham dự của gần 300 doanh nghiệp FDI.

Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội khóa XV thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1/8/2024. Để phổ biến thông tin Luật Đất đai 2024 đến cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ các nước đang hoạt động trên địa bàn Thành phố, đồng thời trao đổi, thảo luận các vấn đề pháp lý phát sinh và khuyến nghị cho nhà đầu tư khi Luật có hiệu lực.

Tại Hội thảo, Phó Giám đốc ITPC Cao Thị Phi Vân nhận định, Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương và 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Một số điểm mới đáng chú ý bao gồm: bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; sửa đổi quy định về phân loại đất; tiếp tục hoàn thiện về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; bổ sung quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất.

Ngoài ra, Luật Đất đai 2024 còn có các điều khoản phân cấp, phân quyền cho địa phương để phù hợp với thực tế từng địa phương và luật hóa các quy định đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển đất nước.

Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, thống kê tại VIAC năm 2023 cho thấy sự gia tăng về số lượng tranh chấp bất động sản, ghi nhận khoảng 26,18% trên tổng số vụ, trong đó có các vụ có liên quan đến yếu tố đất đai. Tuy nhiên, do sự giới hạn của quy định pháp luật, các tranh chấp này thường gây nên những băn khoăn nhất định cho các bên và Hội đồng Trọng tài về yếu tố thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 2024 đã có cơ chế khắc phục vấn đề này. Dưới góc độ hoạt động đầu tư, ông Bắc đánh giá, với nhiều cải tiến trong Luật Đất đai hiện tại, nhà đầu tư sẽ được tiếp cận với đất đai một cách thuận lợi hơn, thủ tục đơn giản, thông thoáng hơn, xóa bỏ nhiều vướng mắc pháp lý còn tồn tại. Do đó, đến trước thời điểm luật có hiệu lực, nhà đầu tư cần nhanh chóng trang bị những kiến thức, thông tin cần thiết để hoạt động hiệu quả trong bối cảnh khung khổ pháp lý mới.

Trong phần trình bày, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đã nêu rõ những điểm mới và các cải tiến của Luật Đất đai 2024 đối với nhà đầu tư, cùng với một số vấn đề cần chú ý trong cách hiểu và vận dụng các quy định pháp luật mới về đất đai, nhằm đánh giá những tác động đến môi trường đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Hải, Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN, nêu ra những vấn đề pháp lý phát sinh cho nhà đầu tư, các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, khi thực thi khuôn khổ pháp lý mới, bao gồm việc áp dụng Luật Đất đai và các luật liên quan vào các giao dịch thực tiễn, cùng với các khuyến nghị về quản trị rủi ro trong bối cảnh hành lang pháp lý mới, từ đó giúp các nhà đầu tư định hướng chiến lược kinh doanh một cách an toàn và hiệu quả hơn.

Thông qua hội thảo, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã cung cấp những thông tin hữu ích về những tiềm năng và cơ hội trong bối cảnh mới, cũng như giúp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư kinh doanh ở lĩnh vực bất động sản, nhằm hướng tới xây dựng một môi trường đầu tư chung lành mạnh và hấp dẫn của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

M. Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo