Quang cảnh góp ý dự thảo Luật (Thanhuytphcm.vn) - Sáng 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đồng chí Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương, 101 điều được quy định nhiều điểm mới nhằm giải quyết các phát sinh trong thực tiễn.
Tại hội thảo, đa số các đại biểu đã thống nhất báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đồng thời, đề xuất cần bổ sung thêm loại hình Di tích kiến trúc - nghệ thuật; bổ sung thêm sưu tập cổ vật để xác định đây là sưu tập thuộc loại hình di sản văn hoá; và tạo điều kiện pháp lý vững chắc cho hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Góp ý về di sản văn hóa, đại biểu Ngô Anh Đào - đại diện Khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần quy định bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể.
Đồng chí Hà Phước Thắng điều hành thảo luận tại hội thảo Góp ý về quản lý bảo tàng, các đại biểu cho rằng, cần xem xét, cân nhắc việc quy định một trong các điều kiện thành lập bảo tàng công lập như: có dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày nội thất, ngoài trời phù hợp cho việc bảo vệ và phát huy giá trị sưu tập hiện vật và các hoạt động thường xuyên khác của bảo tàng được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Theo các đại biểu, do cơ quan có thẩm quyền không thể ban hành quyết định thành lập bảo tàng công lập, mà chỉ dựa trên cơ sở dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình, kể cả trường dự án đã được phê duyệt vì liên quan đến vấn đề quản lý cơ sở hoạt động sự nghiệp, quản lý tài sản công, cũng như không lường trước được rủi ro như thế nào trong quá trình thực hiện dự án.
Đối với bảo tàng công lập, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng Nguyễn Thành Nam đề nghị xem xét, bổ sung quy định về chính sách ưu tiên hỗ trợ hoạt động bảo tàng ngoài công lập do tổ chức, cá nhân người Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân người nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp ngoài công lập hoặc mô hình khác. Nhà nước có chính sách ưu tiên hỗ trợ hoạt động bảo tàng ngoài công lập và để Chính phủ quy định chi tiết thi hành điều này, nhằm Luật hóa chính sách ưu tiên cho bảo tàng ngoài công lập.