Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình (Thanhuytphcm.vn) – Ngày 4/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Các ý kiến đều đánh giá, trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 6,82% là con số rất ấn tượng, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh thần vượt khó, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân cả nước. Tinh thần này cũng được thể hiện rõ nét trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra tháng 9 vừa qua.
Một trong vấn đề mà nhiều đại biểu (ĐB) nhấn mạnh, đó là kết quả đạt được vẫn như chưa mong muốn, từ đó các ĐB kiến nghị nhiều giải pháp đối với điều hành, chỉ đạo của Chính phủ.
Đáng chú ý, ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng, tập trung vào việc ban hành và thực thi hiệu quả các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, nhất là về pháp lý, định giá đất và tiếp cận vốn; triển khai hiệu quả Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Các đại biểu dự phiên thảo luận Cùng mối quan tâm, ĐB Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cũng cho rằng, chúng ta chưa tận dụng, phát huy hết tiềm năng và lợi thế của mình, nhiều lĩnh vực chưa đạt mục tiêu đề ra, có những vấn đề tồn tại nhiều năm mà vẫn chưa được khắc phục. Nhiều việc còn đi chậm so với các nước trong khu vực. ĐB đề nghị tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng phân cấp, phân quyền, làm rõ trách nhiệm gắn liền với kiểm soát quyền lực và trách nhiệm đạo đức công vụ. Cùng với đó, đề nghị tập trung đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm có tính chất đột phá, dẫn dắt, lan tỏa như chúng ta đang triển khai (như sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao…).
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng nêu, những kết quả đạt được chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế của đất nước và chưa đáp ứng được mong mỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Đơn cử, hiện còn nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành; nhiều dự án nhà ở bỏ dở, công trình xây dựng kéo dài nhiều năm nhưng chưa hoàn thành là những ví dụ về lãng phí. Vấn đề lãng phí, thất thoát nguồn lực xã hội vẫn là một thách thức lớn cần được Quốc hội và Chính phủ quan tâm và có giải pháp hiệu quả để phát huy tối đa tiềm lực của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Bình Thuận Theo ĐB Nguyễn Hữu Thông, ngay trong kỳ họp lần này, Chính phủ trình rất nhiều nội dung, nhiều dự án Luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư hay xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa… thể hiện tinh thần kiến tạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Do đó, trong thời gian tới, ĐB đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện nay để đề xuất tháo gỡ. Qua đó, có thể ban hành các cơ chế đặt thù, thí điểm đối với một số dự án cụ thể hay ở một số địa phương cụ thể để triển khai đánh giá và nhân rộng, nhằm phát huy nguồn lực xã hội phát triển đất nước…