Thứ Sáu, ngày 8 tháng 11 năm 2024

Quy định rõ trách nhiệm chủ thể trong hoạt động quảng cáo

Đại biểu Phan Thị Thanh Phương (TPHCM)

* Cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nhận định, tình hình tội phạm ma túy đang diễn biến rất phức tạp với các thủ đoạn tinh vi, táo tợn hơn, nhất là ở các địa bàn trọng yếu như các tuyến đường biên và một số vùng xa, hẻo lánh. Mặc dù trong giai đoạn trước, chương trình mục tiêu phòng chống ma túy đã đạt được kết quả nhất định nhưng còn rất nhiều mục tiêu chưa đạt được, phải tiếp tục làm trong giai đoạn mới. ĐB đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn các mục tiêu chưa đạt, từ đó đề ra giải pháp hữu hiệu.

Lưu ý đến nguồn lực phân bổ cho chương trình, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt cũng chỉ ra rằng tỷ lệ sử dụng ngân sách Trung ương - địa phương cho mục tiêu này đã có sự đảo ngược so với giai đoạn trước (ngân sách Trung ương chiếm gần 80%, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn trước; trong khi địa phương chỉ chiếm hơn 20%) cần lý giải rõ nguyên nhân.

Một số ĐB cho rằng, chương trình đặt ra 3 mục tiêu chính: giảm cung ma túy, giảm cầu ma túy và giảm tác hại do ma túy gây ra, cùng với 20 chỉ tiêu cụ thể. Trong các chỉ tiêu này, có những chỉ tiêu quá cao và đòi hỏi nguồn lực rất mạnh mẽ, ví dụ như đảm bảo 100% các điểm phức tạp về ma túy được triệt phá; kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1% hàng năm; hỗ trợ y tế và tâm lý cho hơn 90% người nghiện..., đặt ra câu hỏi về tính khả thi khi đang phải đối diện với thách thức về ngân sách và nguồn lực.

Quốc hội thảo luận dự án Luật Dữ liệu. Quốc hội thảo luận dự án Luật Dữ liệu.

Bên cạnh đó, trong khi có những chỉ tiêu quá cao, lại cũng có những chỉ tiêu quá thấp không thể hiện được tính quyết liệt trong công tác phòng, chống ma túy. Chẳng hạn, chương trình đề ra chỉ tiêu khống chế, giảm nguồn cung ma túy là 3% (trong khi mục tiêu của giai đoạn trước là giảm 5%; thực hiện đạt 2,48%). Tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên làm công tác cai nghiện cũng còn thấp…

Góp ý về Luật Quảng cáo, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) chia sẻ, quảng cáo là một trong 12 lĩnh vực trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của nước ta. Trong thời gian qua, lĩnh vực quảng cáo đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này nhằm tạo điều kiện để quảng cáo phát triển hơn; đồng thời tăng cường kiểm soát để quảng cáo đúng, trung thực, văn minh và là cầu nối giữa nhà sản xuất, nhà kinh doanh với người tiêu dùng.

Về quảng cáo trên không gian mạng, ĐB Phan Thị Thanh Phương (TPHCM) cũng chỉ ra, trên các nền tảng mạng xã hội có nhiều clip ngắn lồng ghép quảng cáo vào nội dung. Loại hình quảng cáo này có sức lan tỏa rất lớn, đòi hỏi cần phải có sự quản lý tổng thể và áp dụng công nghệ hiện đại để kiểm soát hiệu quả. Nêu thực tế hiện nay, việc sử dụng một số cá nhân có tầm ảnh hưởng, người nổi tiếng quảng cáo là rất phổ biến; không chỉ vậy, vẫn còn tình trạng quảng cáo thổi phồng nội dung, trong khi các chế tài xử lý chưa đủ nghiêm khắc dù đã có quy định pháp luật.

ĐB Phan Thị Thanh Phương cho rằng để bảo vệ người tiêu dùng, cần quy định rõ trách nhiệm chủ thể trong hoạt động quảng cáo. Đồng thời, cần phải minh bạch hơn trong quản lý quảng cáo, đặc biệt là trên các phương tiện báo chí cần phân định rõ ràng giữa tin bài mang nội dung quảng cáo và tin bài thuần túy, điều này giúp độc giả nhận biết và phân biệt rõ ràng hơn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM)

ĐB Trần Hoàng Ngân và ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) cùng cho rằng cần có quy định xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần khuyến khích quảng cáo một cách văn minh, chứa yếu tố nghệ thuật, mang tính giáo dục.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu.

Thảo luận tại phiên họp, cho ý kiến về Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia trong dự thảo Luật Dữ liệu, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề xuất cần cân nhắc việc thành lập Quỹ, bởi vì hầu hết các nội dung chi của quỹ đã được đảm bảo từ ngân sách nhà nước. “Dữ liệu quốc gia là phạm vi trách nhiệm của Nhà nước phải chi từ ngân sách. Nhiệm vụ chi của quỹ cũng trùng lấp với một số quỹ khác như báo cáo thẩm tra. Ngoài ra, nếu thành lập sẽ phát sinh bộ máy và biên chế, tăng áp lực tài chính bổ sung cho quỹ của người dân, mà nhất là doanh nghiệp” - ĐB Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Ngoài ra, dữ liệu là một dạng “tài sản” mới rất quan trọng, có thể xem như “tài sản” quốc gia. Vậy khi có các nguồn tài chính hỗ trợ, tài trợ từ trong nước và nước ngoài, chúng ta có chịu tác động gì hay không? Do đó, các ĐB cho rằng, cần đánh giá các tác động này để đảm bảo chúng ta không bị chi phối hay lộ lọt thông tin khi tìm kiếm thông tin của các nhà tài trợ.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo