Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Quy định chặt chẽ để phòng ngừa hành vi rửa tiền

Quang cảnh hội nghị chiều 7/9

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 7/9, tại Nhà Quốc hội, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách thảo luận về 2 dự án luật: Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày cho biết, việc xây dựng Luật này nhằm xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.

Thảo luận tại hội nghị, đa số ĐBQH tán thành với việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nhằm góp phần tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới.

Một trong những điểm quan trọng nhận được nhiều ý kiến thảo luận là quy định về báo cáo giao dịch đáng ngờ. ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) cho rằng, dự thảo luật đưa ra các quy định giúp kiểm soát dòng tiền ra - vào, phòng ngừa hành vi rửa tiền và cơ bản kiểm soát dòng tiền giao dịch qua hệ thống ngân hàng. Nhưng thực tế vẫn tồn tại giao dịch bằng tiền mặt, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, thì chưa rõ căn cứ, công cụ và hành lang pháp lý để cơ quan quản lý ngăn chặn hành vi rửa tiền, kể cả rửa tiền từ bên ngoài vào và từ trong nước ra ngoài. Dự luật chỉ đạt được góc độ nào đó kiểm soát được hành vi rửa tiền của dòng tiền qua ngân hàng, còn các dòng tiền không qua kênh này thì khó kiểm soát được.

Đề cập tới các giao dịch đáng ngờ trong bất động sản, ĐB Nguyễn Minh Đức đề nghị các cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính làm rõ hoạt động giao dịch này. Cần nêu rõ trách nhiệm của cơ quan thuế trong các giao dịch dạng này thông qua việc kiểm soát giao dịch bất dộng sản có ghi nhận, phát sinh thuế để xác định giao dịch đáng ngờ, từ đó xác định có hành vi rửa tiền hay không. Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước để các giao dịch đáng ngờ được xác minh.

Một số ĐB cũng đề cập đến lợi dụng tiền ảo để rửa tiền tài trợ khủng bố. ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, hiện nhà nước chưa công nhận tiền ảo, tuy nhiên Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn. Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đã trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền.

Giải trình tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, trước đó Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ ngành đã có đề xuất thể hiện trong dự thảo ban đầu quy định đối tượng báo cáo về kinh doanh tài sản ảo. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của pháp luật cho thấy, hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cơ quan quản lý cấp phép chính tài sản ảo. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo, các cơ quan kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội phương án giao cho Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết. Về các dấu hiệu đáng ngờ, trong quá trình dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đã có tiếp thu, chỉnh sửa và sẽ tiếp tục hoàn thiện bổ sung.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đối với nội dung sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng, phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế là vấn đề lớn còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Theo ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng), trước xu hướng phát triển kinh tế, các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có thể phải kết hợp khai thác yếu tố kinh tế để phục vụ cho nhiệm vụ an ninh, quốc phòng trong hoạt động về sử dụng tần số vô tuyến điện. Do đó, ĐB thống nhất quan điểm với phương án bổ sung nội dung này vào luật để có thể kiểm soát và có định mức cho đội ngũ quốc phòng khi sử dụng các tần số vô tuyến điện trong hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, yêu cầu thời hạn khống chế trong thời hạn là 5 năm để đánh giá sát hơn khi cấp phép hoặc không tiếp tục hoạt động của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng giải trình chiều 7/9 Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng giải trình chiều 7/9

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, đây là vấn đề lớn, cần thận trọng nghiên cứu đảm bảo các nguyên tắc bảo mật, cạnh tranh lành mạnh và đánh giá kỹ tác động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, báo cáo, xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội.

Giải trình lại ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Về việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ cho quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế, Bộ trưởng nêu rõ, việc sử dụng cho mục đích kinh tế phải đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đảm bảo yếu tố bảo mật, đồng thời cũng đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần tham gia.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo