Được nhân rộng trên toàn quốc
TPHCM là nơi khởi xướng và có nhiều phong trào hành động cách mạng mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều phong trào có sức lan tỏa xã hội sâu rộng, được đánh giá cao, trở thành điểm sáng cả nước và hình thành nên các chính sách xã hội, chương trình quốc gia.
Trong đó, điển hình là phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương”, “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, “Xóa đói, giảm nghèo”; “Bảo trợ bệnh nhân nghèo”, “Nụ cười trẻ thơ”, “Hiến máu nhân đạo”, “Phong trào kế hoạch nhỏ”, “Hội thi thợ giỏi, bàn tay vàng”, “Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh”… Các phong trào này đều có điểm chung là đã thể hiện sự khéo léo trong công tác tuyên truyền vận động, khơi dậy sức dân, huy động sự tham gia của nhân dân, lấy sức dân chăm lo cho dân.
Từ thực tiễn công tác dân vận và việc thực hiện các phong trào hành động cách mạng, năm 2007, Thành ủy TPHCM chính thức chỉ đạo triển khai phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn TP. Chỉ đạo của Thành ủy TPHCM đã thổi một luồng sinh khí để đẩy mạnh công tác dân vận của toàn Đảng bộ TP, đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” trở thành một điểm nhấn sáng tạo, vừa là nội dung vừa là biện pháp thiết thực để vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bước đầu, phong trào đã khơi dậy sự sáng tạo, cách làm hay, việc làm tốt, xuất hiện những gương điển hình “khéo” vận động từ cơ sở.
Từ xuất phát điểm là một phong trào đạt hiệu quả ở TPHCM, đầu năm 2009, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Ðảng, Ban Dân vận Trung ương đã phát động phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên toàn quốc, trở thành phong trào thi đua thiết thực đáp ứng yêu cầu công tác dân vận của Ðảng trong tình hình mới.
Thời gian qua, phong trào “Dân vận khéo” được triển khai rộng khắp tại các địa bàn dân cư, các ngành, các địa phương, cơ sở và cả hệ thống chính trị với yêu cầu bám sát nhiệm vụ chính trị, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, lắng nghe và kịp thời giải quyết các yêu cầu chính đáng, hợp lý của nhân dân. Vận động nhân dân góp sức, chung tay xây dựng, phát triển và bảo vệ TP, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là diện chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo.
Nhiều mô hình, cách làm hay được triển khai tại cơ sở, đi vào từng nội dung của các cuộc vận động xã hội như: “An sinh xã hội”, “Bình ổn thị trường”, “Nhà trọ không tăng giá”, “Chung tay chia sẻ khó khăn”, “Hiến đất mở đường”, “Phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội”, “Tấm vé nghĩa tình”...
Vận động thực hiện tốt công tác chăm lo an sinh xã hội
Trong 10 năm qua, tại TPHCM đã có 25.110 tập thể, 111.544 cá nhân được bình chọn, công nhận mô hình, điển hình “Dân vận khéo” cấp cơ sở; 926 điển hình được tuyên dương cấp TP. Chỉ tính riêng năm 2017, TP đã có hơn 1.000 điển hình “Dân vận khéo” được tuyên dương ở các cấp; 111 điển hình được tuyên dương cấp TP.
Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá: Mỗi điển hình “Dân vận khéo” có những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng tựu trung đều thể hiện tấm lòng trong sáng, sự thuyết phục làm lay động lòng người bởi chính sự sâu sát, thấu hiểu, đồng cảm, chân tình. Rất nhiều việc làm “khéo” trở thành phong trào trong nhân dân TP, mà mỗi khi nhắc đến người dân nhớ ngay đến những hũ gạo nghĩa tình, những chú heo đất khuyến học, những quán cơm tình thương… Lâu dần, những việc làm “khéo” trở thành những việc làm bình thường của mọi người dân, tạo nên giá trị nhân văn và tấm lòng nhân ái, nghĩa tình của người dân TP.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho biết, trong giai đoạn hiện nay, để phong trào đi vào chiều sâu, thực chất, trở thành phong trào thường xuyên, liên tục, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân, mang lại hiệu quả cao hơn, toàn diện hơn, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của TP, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” với phong cách “gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”.
Tại lễ kỷ niệm 87 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2017) và tuyên dương các tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo” năm 2017 diễn ra ngày 12/10, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM chỉ rõ: cấp ủy và hệ thống chính trị TP phải luôn nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, đặc biệt là cuộc sống của công nhân, nông dân, người nghèo, từ đó tìm ra giải pháp thiết thực nhằm tác động, hỗ trợ, chăm lo, giảm bớt khó khăn cho dân. Tập trung triển khai phong trào “Dân vận khéo” theo hướng thi đua vận động thực hiện tốt công tác chăm lo an sinh xã hội; tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân chung sức đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xác định rõ trọng tâm của phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2018 là dân vận chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, phục vụ nhân dân.
Tất cả những điển hình “Dân vận khéo” được tuyên dương với những việc làm hết sức đời thường mà lại tỏa sáng rạng ngời bởi lòng nhân ái bao la, nghị lực sống phi thường được khơi dậy, nuôi dưỡng và nhân lên gấp ngàn lần thông qua sự san sẻ, yêu thương, ấm áp chan hòa cho cả người cho và người nhận. Chính nhờ có các điển hình mà chất nghĩa tình của TPHCM chúng ta được khơi dậy, khẳng định và nổi bật hơn bao giờ hết, trở thành một mục tiêu mà Đảng bộ TP hướng đến xây dựng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang