Triển khai Đề án 06 đạt được nhiều kết quả
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết một số kết quả triển khai Đề án 06/CP của 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đánh giá chung về dịch vụ công theo Bộ chỉ số đánh giá chất lượng, có 7 địa phương có điểm đánh giá đạt loại tốt, 2 địa phương đạt điểm khá, 3 địa phương đạt điểm trung bình. Về tỷ lệ số hóa hồ sơ, 8 địa phương có điểm đánh giá khá và tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử tương đối tốt.
Về số hóa dữ liệu hộ tịch, căn cứ báo cáo số liệu của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 11/11/2024, trên toàn quốc đã có 15 địa phương hoàn hành, 18 địa phương cơ bản đã hoàn thành. Trong đó, TPHCM đã số hóa 12,8 triệu hồ sơ (tỷ lệ 100%); Bình Dương cơ bản hoàn thành số hóa với 1.070.426 dữ liệu (tỷ lệ 100%); 10 địa phương có nguy cơ không hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trong năm 2024.
Trên cơ sở triển khai tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên VNeID tại 63/63 địa phương, UBND 12 đơn vị đã có kết quả triển khai. Cụ thể, TPHCM tích hợp 1.086.568 sổ – đứng thứ 2 toàn quốc; đã có 47 địa phương trên toàn quốc chính thức triển khai cấp phiếu Lý lịch Tư pháp trên ứng dụng VNeID, cụ thể: 7 địa phương đã chính thức triển khai (Thanh Hóa, Nam Định, Bình Phước, Phú Thọ, Quảng Nam, TPHCM, Ninh Thuận). Tỉnh Bình Phước đã hoàn thành thử nghiệm, chính thức triển khai từ ngày 01/11/2024; 4 địa phương còn lại đang tiến hành thử nghiệm, gồm: Thái Bình, Đồng Nai, Thái Nguyên, Kiên Giang.
Các đồng chí dự chủ trì hội nghị Theo thống kê, đến nay, toàn quốc đã tích hợp 14,8 triệu thông tin công dân vào Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Tính đến 13/11/2024, đã có 47 địa phương triển khai cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID với 24.887 hồ sơ (tăng 45 địa phương so với ngày 2/10/2024). Đồng thời, các địa phương đã hoàn thành số hóa trên 46 triệu thửa đất tại 461/705 huyện trên toàn quốc; 15 địa phương đã hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch. Một số địa phương đã phối hợp tốt với các bộ, ngành trong triển khai các mô hình thúc đẩy Đề án 06 trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, TPHCM triển khai Đề án 06 đạt được nhiều kết quả; như đã triển khai thực hiện cấp trên 8 triệu thẻ Căn cước công dân (CCCD), hơn 500.000 thẻ Căn cước và hơn 6 triệu tài khoản định danh điện tử; cấp 500.000 chữ ký số công cộng; cập nhật vào hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư trên 1,5 triệu trường hợp dữ liệu ngoại ngành. TPHCM đã đăng ký với Tổ Công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ 16 mô hình điểm triển khai trên địa bàn, trong đó sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp trên qua VNeID đạt được nhiều kết quả nhất định.
Bên cạnh đó, TPHCM đã hoàn thành kết nối trực tiếp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo đó người dân chỉ dùng tài khoản VNeID để sử dụng dịch vụ công; hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch và đã được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp…
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cũng nêu một số khó khăn trong quá trình thực hiện, một số chỉ tiêu chưa đạt như: tỷ lệ hồ sơ đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ TTHC số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính…
Để nâng cao các chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử, TPHCM kiến nghị: Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương phối hợp chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giải quyết TTHC về cho thành phố theo thời gian đề xuất là định kỳ hàng tháng. Các bộ, ngành Trung ương công bố danh mục TTHC thực hiện số háa thành phần hồ sơ theo quy định để TPHCM địa phương hóa việc triển khai thực hiện.
Ngoài ra, để triển khai thực hiện có hiệu quả việc thí điểm Trung tâm Phục vụ hành chính công của TPHCM theo Nghị quyết số 108/CP, TPHCM kiến nghị các bộ, ngành trung ương quan tâm, tạo điều kiện kết nối đường truyền, chia sẻ dữ liệu để triển khai thực hiện mô hình một cấp theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại hội nghị Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu, khách quan, mang tính toàn cầu. Vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm thúc đẩy với sự chỉ đạo hết sức quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ trong công tác chuyển đổi số, mà nòng cốt là triển khai Đề án 06. Bộ Công an đã theo dõi sát, đôn đốc, làm việc rất trách nhiệm trong triển khai Đề án 06. Những kết quả tích cực bước đầu đạt được đã phần nào thể hiện được sự nỗ lực của các bộ, ngành, các địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng nêu rõ, qua theo dõi của Tổ công tác triển khai Đề án 06, vẫn còn một số địa phương chưa đạt được kết quả như mong đợi. Việc triển khai các mô hình điểm còn mang tính hình thức, chưa có kết quả rõ nét; chưa phát huy tốt vai trò của Đề án 06 đối với phát triển kinh tế - xã hội và quản lý xã hội. Một số địa phương có nguy cơ không hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trong năm 2024. Nhiều cơ chế, chính sách cho triển khai Đề án 06 còn thiếu, cần phải sớm bổ sung, hoàn thiện;…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai, tiếp tục tạo bước chuyển biến căn bản trong triển khai thực hiện Đề án 06. Đặc biệt, các bộ, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác tập huấn, bố trí nguồn lực, bổ sung và hoàn thiện các danh mục, tiêu chí thuộc lĩnh vực của bộ, ngành mình để tạo các điều kiện thuận lợi các địa phương trong triển khai thực hiện; kịp thời tháo gõ những vướng mắc cho các địa phương thuộc phạm vi, lĩnh vực của bộ, ngành mình quản lý.
Các đồng chí lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các địa phương cần chủ động, nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Trong kế hoạch chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng trên tinh thần bám sát kế hoạch, có lộ trình, giải pháp khả thi trong thực hiện. “Báo cáo của Bộ Công an cũng đã chỉ rõ những địa phương còn triển khai chậm, hoặc còn triển khai yếu, thiếu các nội dung. Vì vậy, các địa phương cần hết sức lưu ý rà soát và sớm có giải pháp khắc phục hiệu quả, triệt để trong quá trình triển khai thực hiện Đề án thời gian tới” - đồng chí Nguyễn Hòa Bình đề nghị.
Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã ký kết Kế hoạch phối hợp công tác với tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai về số hóa dữ liệu và tái sử dụng kết quả số hóa trong giải quyết các thủ tục hành chính trên lĩnh vực cư trú và đất đai; ký kết Kế hoạch phối hợp công tác với tỉnh Kiên Giang trong thúc đẩy triển khai Đề án 06 trên địa bàn Thành phố Phú Quốc; ra mắt ứng dụng liên kết với VNeID của TPHCM.