Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt được kết quả tích cực
Báo cáo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, đã điều tra, làm rõ 40.026 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 85,69%; triệt phá 3.070 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại... Bên cạnh đó, đã phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%).
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: Chính phủ tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; Thực hiện tốt các mặt công tác phòng ngừa tội phạm với mục tiêu làm giảm tội phạm, kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, giữa phòng ngừa nghiệp vụ với đấu tranh, trấn áp tội phạm.
Bên cạnh đó, tiếp tục mở các đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên về tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng, ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao...; Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và tổ chức giám sát tối cao về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Các vụ án thụ lý đưa ra xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không có oan sai
Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, công tác PCTN năm 2020 tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao; tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu TPHCM Cụ thể, toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm; kiến nghị thu hồi 44.582 tỷ đồng và trên 1.401 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng.
Về thi hành án hình sự trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đã thi hành xong 3.605 việc, đạt tỉ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành. Số tiền thu được là 15.017,9 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 43,42% số có khả năng thi hành.
“Việc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị được tăng cường thực hiện; Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh, có bước tiến mạnh, đột phá; các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực, phối hợp ngày càng chặt chẽ; nhiều việc hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát đạt tỷ lệ cao, nhiều vụ thu hồi 100% số tiền thiệt hại. Các vụ án thụ lý đưa ra xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không có oan sai, không bỏ lọt tội phạm được dư luận và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao”- Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát công tác PCTN, nhất là việc triển khai thi hành các quy định mới của Luật PCTN năm 2018 và các Luật mới được sửa đổi, bổ sung có liên quan chặt chẽ đối với công tác PCTN như Luật Giám định tư pháp, Luật Xây dựng; Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư…
Bên cạnh đó, đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát được phát hiện qua hoạt động tố tụng, kiểm toán nhà nước; tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, kiên quyết không để xảy ra tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và Nhân dân tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp để kiểm tran, giám sát, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, khắc phục cơ bản, tiến tới xóa bỏ tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của toàn xã hội trong PCTN.
Sáng 26/10, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; công tác thi hành án năm 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.
Báo cáo công tác năm 2020, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao Lê Minh Trí cho biết: Năm 2020, ngành Kiểm sát đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao. Cụ thể, qua kiểm sát, Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 791 vụ án, tăng 8,6% và hủy 30 quyết định khởi tố vụ án. Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, chú trọng thực hiện biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong vụ án tham nhũng, kinh tế, chủ động kiến nghị Quốc hội hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong xác định hậu quả thiệt hại trong các vụ án về tham nhũng, chỉ đạo tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, dự báo tình hình tội phạm tham nhũng, đề ra giải pháp trong thời gian tới, tổ chức tập huấn chuyên sâu về công tác giải quyết các vụ án tham nhũng.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí báo cáo tại hội nghị Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đề nghị Quốc hội quan tâm chỉ đạo hơn nữa công tác giải thích, hướng dẫn những quy định pháp luật còn có nhận thức khác nhau giữa các cơ quan tư pháp; Tăng cường giám sát chuyên đề, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cạnh đó, các cơ quan tư pháp Trung ương, Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh những yêu cầu, kháng nghị và kiến nghị của Viện kiểm sát nhằm khắc phục, phòng ngừa nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm; Tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp, trong đó có Viện kiểm sát để đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
Cũng tại kỳ họp, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã báo cáo công tác năm 2020 của Tòa án Nhân dân tối cao; đồng thời Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo về công tác thi hành án năm 2020.