Chủ Nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024

Phát huy giá trị văn hóa gia đình Việt Nam trong tình hình hiện nay

Quận 7 tổ chức nhiều hoạt động gắn kết các thế hệ trong gia đình

(Thanhuytphcm.vn) - Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi lưu giữ, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ thế hệ này sang thế hệ khác của dân tộc Việt Nam. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta xác định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đây là một nhận thức mới của Đảng về vai trò, vị trí trung tâm của gia đình đối với sự phát triển kinh tế và sự ổn định của xã hội. Điều đó, khẳng định Đảng luôn coi việc xây dựng gia đình là nhiệm vụ trọng tâm, là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Kế thừa và phát huy giá trị văn hóa gia đình

Nhận thức được vai trò quan trọng của giá trị văn hóa gia đình với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội, trong nhiều năm qua, các cuộc vận động “Gia đình văn hóa”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được thực hiện. Đặc biệt từ năm 2021 đến nay, UBND Quận 7 đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình triển khai đến các cơ quan, đơn vị và UBND 10 phường thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng Gia đình hạnh phúc thuộc Đề án “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở TPHCM giai đoạn 2021 - 2030 (gồm tiêu chí về ứng xử trong gia đình; điều kiện vật chất và tinh thần; tiêu chí giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe của các thành viên trong gia đình). Bộ tiêu chí là công cụ đo lường hạnh phúc, sự hài lòng của người dân Thành phố. Theo đó, công tác tuyên truyền Bộ tiêu chí được quan tâm chú trọng.

Bên cạnh đó, Quận 7 đã chọn UBND phường Phú Thuận thực hiện điểm triển khai Bộ tiêu chí xây dựng Gia đình hạnh phúc và chỉ đạo UBND các phường còn lại, mỗi phường chọn một khu phố để tổ chức triển khai thực hiện tuyên truyền, sau đó mở rộng ra trên tất cả các khu phố. Qua đó cho thấy, xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ chú trọng đến yếu tố vật chất của gia đình mà bỏ qua các yếu tố văn hóa tinh thần, quan trọng hơn hết là chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong mỗi gia đình. Vì vậy cần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa gia đình truyền thống trong xã hội hiện nay, bởi văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành.

Lan tỏa các giá trị yêu thương

Hiện nay, trên địa bàn Quận 7, nhiều gia đình vẫn lựa chọn sống chung nhiều thế hệ. Điển hình như gia đình ông Trần Văn Tổng, cán bộ nghỉ hưu, 67 tuổi, cư ngụ tại phường Tân Thuận Tây, Quận 7. Gia đình ông Tổng có 3 thế hệ với 14 thành viên cùng sống chung trong một ngôi nhà gồm 2 vợ chồng của ông, 6 con trai, con gái, con dâu, con rể và 7 đứa cháu nội, ngoại. Tuy cuộc sống chung có nhiều va chạm, cách sống, cách nghĩ khác nhau, nhưng gia đình ông Tổng vẫn luôn tràn đầy tình yêu thương, gắn bó, mọi thành viên trong gia đình luôn biết tôn trọng, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong mọi việc. Các con, các cháu luôn cố gắng sắp xếp thời gian cùng ăn bữa cơm chung đại gia đình vào các buổi tối trong tuần để tăng thêm sự gắn kết tình thân giữa các thành viên với nhau.

Ông Trần Văn Tổng chia sẻ: “Tôi luôn chú trọng việc giáo dục con, cháu trong gia đình về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Đó là 5 đức tính cần có trong mỗi con người. Trong mối quan hệ gia đình, anh em phải biết hòa thuận, nhường nhịn, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau; con cháu phải kính trọng, lễ phép, biết ơn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Bản thân tôi luôn yêu thương, tôn trọng, đối xử công bằng với các con, nhưng dành sự quan tâm nhiều hơn cho con dâu và con rể để các con tôi nhận thấy đây cũng chính là gia đình, anh em, cha mẹ của mình”.

Cùng với đó, là sự chia sẻ của em Hồ Ngọc Bảo Trân, 20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cháu ngoại của ông Trần Văn Tổng cho biết: “Từ khi sinh ra, em cùng cha mẹ đã chung sống cùng với cụ nội, ông bà, chú dì, anh chị tại ngôi nhà chung này. Đôi khi em cảm thấy bị làm phiền bởi tiếng khóc la hét của các em nhỏ và bị ông bà, chú dì quản lý thời gian rất nghiêm, 09h30 tối là bị điểm danh, phải có mặt tại nhà. Nhưng em lại cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc của các thành viên trong gia đình dành cho em. Sự phiền hà kia là quá nhỏ so với niềm hạnh phúc tình thân mang lại”.

Gia đình ông Trần Văn Tổng, phường Tân Thuận Tây Gia đình ông Trần Văn Tổng, phường Tân Thuận Tây

Ở một gia đình khác tại khu phố 5, phường Tân Phú, Quận 7, gia đình ông Huỳnh Văn Mai và bà Nguyễn Thị Mau (cùng sinh năm 1944) luôn được chính quyền địa phương ghi nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu. Gia đình ông có 4 thế hệ với 11 thành viên cùng chung sống, người lớn nhất năm nay cũng đã 80 tuổi, còn người nhỏ tuổi nhất chưa đầy 2 tuổi. Hiện nay, vợ chồng ông Mai đã lớn tuổi và đang được con cháu trong nhà quan tâm chăm sóc. Một trong số những người con gần gũi, chăm sóc ông bà hàng ngày là chú Huỳnh Văn Sông, 64 tuổi, là con rể của ông bà Huỳnh Văn Mai. Chú Sông chia sẻ: “Tôi về đây ở rể đã được 35 năm, cuộc sống luôn hòa đồng, vui vẻ, thoải mái và không có cảm giác mặc cảm tự ti. Bởi bố mẹ và các anh chị trong gia đình luôn yêu thương, hỗ trợ giúp đỡ tôi rất nhiều. Khi các con tôi lập gia đình, tôi lại khuyến khích chúng về ở chung để xây dựng mối quan hệ gắn bó. Qua đó, giáo dục cho các con về giá trị gia đình truyền thống, hướng về cội nguồn, các con cháu của tôi lớn lên sẽ được đến gần hơn với những giá trị truyền thống từ nhiều đời truyền lại”.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức nét đẹp gia đình truyền thống

Theo bà Dương Thị Cẩm Hồng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Quận 7: Trong thời đại công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa gia đình là một việc làm hết sức cần thiết. Vì gia đình có vai trò gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, cần thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam, đặc biệt chú trọng giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị đạo đức truyền thống, gia phong và văn hóa ứng xử trong gia đình, giúp họ thấy được sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, để rèn giũa phẩm chất đạo đức của bản thân; đẩy mạnh xây dựng gia đình văn hóa trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu, tiếp thu những giá trị tiến bộ, hiện đại; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên trong gia đình; quan tâm nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, tạo ra môi trường xã hội trong sạch lành mạnh, an toàn, thuận lợi để các gia đình đoàn kết, động viên, giúp đỡ nhau cùng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Để thực hiện thành công chủ trương xây dựng văn hóa gia đình, thì việc kế thừa và tiếp nối, nâng tầm và phát triển các giá trị văn hóa gia đình truyền thống hình thành nên những giá trị mới tốt đẹp là mục tiêu của phát triển bền vững. Hiện nay, nhiều giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống vẫn luôn được gìn giữ, củng cố và phát huy. Đó chính là cơ sở quan trọng để “Xây dựng hệ giá trị gia đình” trong tình hình mới.

Trần Hiển


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo