Bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sĩ Lưu Hữu Phước” được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 12/9/2021 đến 30/6/2023 (Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Âm nhạc là một trong những vũ khí lợi hại cổ vũ tinh thần tranh đấu của nhân dân trong các chặng đường cách mạng. Trên mặt trận đấu tranh bằng âm nhạc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã có đóng góp quan trọng, to lớn, là một trong những “cánh chim đầu đàn” cho sự nghiệp xây dựng nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Những sáng tác của ông thấm đẫm khí thế thời đại, thúc giục mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của toàn dân.
Lưu Hữu Phước sinh ngày 12/9/1921 tại quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là thành phố Cần Thơ). Từ nhỏ, ông đã tự học lý thuyết âm nhạc và chơi một số nhạc cụ. Khi lớn lên, với lòng yêu nước nồng nàn, ông biến âm nhạc thành vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước. Với nhiều bút danh như Huỳnh Minh Siêng, Long Hưng, Anh Lưu, Hồng Chí…, các sáng tác của người nhạc sĩ - chiến sĩ này đều mang “hơi thở” của thời đại.
Trong giai đoạn 1940 - 1944, còn là sinh viên, các sáng tác của ông đã thể hiện tinh thần tranh đấu mạnh mẽ với những ca từ đanh thép. Bạch Đằng Giang “hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng”, Ải Chi Lăng “vì nước tuốt gươm xông pha/Lòng trung, cứu dân lầm than”, Lên đàng “Kết đoàn hùng tráng/Danh lừng Bạch Đằng/tiếng vang Chi Lăng/Đồng tâm noi dấu anh hùng” đến Hờn sông Gianh “Bình minh sáng soi/Toàn dân ước mong một sáng ngày mai”. Hay Hát giang trường hận (sau đổi tên là Hồn tử sĩ) với nhịp điệu trầm hùng “Lấy máu nóng cứu dân khỏi hồi nguy nan/Chí hiên ngang/Bao năm công đức/Xây đắp nên non nước nhà”…
Thành viên Nhóm Hoàng Mai Lưu. Từ trái sang: Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ. (Ảnh tư liệu) Cùng với 3 người đồng tác giả là Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Đặng Ngọc Tốt, Lưu Hữu Phước đã cho ra 3 bài hát Xếp bút nghiên, Mau về Nam và Gieo ánh sáng cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào “xếp bút nghiên” nhằm kêu gọi sinh viên từ bỏ việc học giỏi đỗ cao để làm quan cho Pháp, thay vào đó “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Xếp bút nghiên coi thường công danh, như phù vân; sơn hà xao xuyến. Tiến! Ta tiến! Một lòng yêu non sông, vì dân ta liều thân...”. Phong trào này đã góp phần khơi gợi mạnh mẽ lòng yêu nước của thanh niên trước và trong Cách mạng tháng Tám. Năm 1944, khi ở trong tù, Lưu Hữu Phước còn cho ra đời Khúc khải hoàn với niềm tin thắng lợi của cách mạng. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết trong cuốn Lưu Hữu Phước - Con người và sự nghiệp (Nhà xuất bản Trẻ, 1989): “Nét nhạc của Lưu Hữu Phước vừa khỏe vừa tươi tắn, mang đậm chất dân tộc và màu sắc Nam bộ, không thể lẫn. Những bài hát ấy đã vang vọng trên các đường phố Sài Gòn cuồn cuộn hàng chục vạn người khởi nghĩa tháng Tám năm 1945”.
Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và chống Mỹ (1954 - 1975), những bài hát của Lưu Hữu Phước tiếp tục tiếp lửa cho nhiều thế hệ và thúc giục toàn dân hăng hái đấu tranh bằng lời ca mang tính chiến đấu mạnh mẽ. Đó là lời hiệu triệu: “Vùng lên! Nhân dân miền Nam anh hùng - Vùng lên! Xông qua vượt qua bão bùng/Thề cứu lấy nước nhà, thề hy sinh suốt đời/Cầm gươm, ôm súng xông tới...” trong Giải phóng miền Nam (Lưu Hữu Phước cùng với Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, thường được gọi là Nhóm Hoàng Mai Lưu, sáng tác). Đó là bài Giải phóng quân giục người dân đứng lên khi “lũ giặc giày xéo quê nhà”: “Tổ quốc ơi vì nước gian lao nào sá/Cùng tiến có nghe trời đang sấm vang rền muôn nơi/Cùng tiến chúng ta cùng đi giải phóng miền Nam”. Đặc biệt, nói về nhạc cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ, nhiều người nhớ ngay đến Tiến về Sài Gòn. Lời bài hát: “Nơi thành đô trong ánh điện quang tiếng nấc nghẹn câu cười. Khu nhà tranh năm cánh ngoại ô rên xiết đêm ngày. Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây…” vang vọng trong ngày giải phóng 30/4/1975, thế nhưng ít người biết rằng ca khúc đó được Lưu Hữu Phước viết vào năm 1966.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (bên trái) cùng các nhà văn Nguyễn Văn Bổng và Lý Văn Sâm trong kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh tư liệu) Lưu Hữu Phước là người viết rất nhiều hành khúc. Với đặc điểm của thể loại hành khúc là nhịp điệu mạnh, tiết tấu vững chắc, tạo nên khí thế sục sôi, các bài hát của ông có tính thôi thúc hành động. Năm 1964, phong trào “Ba sẵn sàng” được Trung ương Đoàn Thanh niên phát động, các bài hát Sẵn sàng chiến đấu, Thanh niên ba sẵn sàng của ông với giai điệu trẻ trung, náo nức đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút thanh niên tham gia các hoạt động kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ở nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, dường như mỗi bài hát đều mang một sứ mệnh ứng với từng thời kỳ lịch sử. Điểm chung của các bài hát này là đều có tính nhạy bén chính trị và chiến đấu cao, lời lẽ hàm súc và khái quát, thể hiện sự thúc giục, hiệu triệu mạnh mẽ. Một số ca khúc đã được lựa chọn trở thành bài hát chính thức của các tổ chức. Trong đó, Giải phóng miền Nam là bài hát chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lên đàng là bài hát chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Còn Hồn tử sĩ được dùng trong các lễ tang theo nghi thức nhà nước và các buổi tưởng niệm của nước ta nhiều năm qua.
Ngoài ra, Lưu Hữu Phước còn ghi dấu ấn với nhiều sáng tác thể hiện tình quân, dân một lòng, niềm tin của toàn dân đối với Đảng, với lãnh tụ Hồ Chí Minh như: Dưới cờ Đảng vẻ vang, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Tình Bác sáng đời ta... Vượt thời gian, những ca khúc này vẫn giữ vị trí gần như không thể thay thế trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh vai trò “người viết sử bằng âm nhạc”, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn có những cống hiến to lớn khác cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông đã tham gia thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trường Múa, Trường Sân khấu - Điện ảnh, Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc vũ kịch Việt Nam… Những cống hiến trên được ghi nhận trong giai đoạn 1954 - 1965 khi Lưu Hữu Phước giữ chức Trưởng ban Nghiên cứu Nhạc - Vũ thuộc Vụ Nghệ thuật (Bộ Văn hóa), rồi Vụ trưởng Vụ Âm nhạc và Múa; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam...
Từ tháng 2/1965, ông làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng, sau đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau giải phóng, ông tiếp tục giữ những chức vụ quan trọng như Viện trưởng Viện Nghiên cứu Âm nhạc (1978 - 1989), Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc Quốc gia, Thành viên Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam... Trong giai đoạn này, ông cùng các cộng sự nghiên cứu và giới thiệu đàn đá Khánh Sơn – nhạc cụ độc đáo của đồng bào dân tộc Raglai ở Khánh Hòa.
Ông từ trần ngày 8/6/1989. Với những đóng góp to lớn trong suốt sự nghiệp cách mạng, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1987), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 1996).
Đến nay, nét đặc trưng âm nhạc “thấm đẫm chất thời đại”, thể hiện “hào khí dân tộc” trong những ca khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vẫn giữ vẹn nguyên giá trị lịch sử. Ông xứng đáng là “một trong những cánh chim đầu đàn trong sự nghiệp xây dựng nền âm nhạc các mạng Việt Nam. Cả đời anh gắn bó với đấu tranh giải phóng dân tộc, âm nhạc của anh đã có mặt trong những bước ngoặt quyết định của vận mệnh dân tộc” như nhận xét của nhạc sĩ Trọng Bằng, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong bài Lưu Hữu Phước: Người viết sử cách mạng bằng âm nhạc đăng trên Tin tức Thông tấn xã Việt Nam ngày 8/9/2012.