Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Những điểm mới trong quy định về những điều đảng viên không được làm

Quy định về những điều đảng viên không được làm gắn với việc thực hiện nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng.

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “về những điều đảng viên không được làm” đã chính thức thay thế Quy định số 47-QĐ/TW sau 10 năm thực hiện. So với Quy định 47 (ban hành năm 2011), Quy định 37 vẫn giữ nguyên số điều. Về nội dung cơ bản kế thừa các quy định cũ, song có một số điều mới, cũng như thay đổi về thứ tự, bổ sung nội dung mới.

Nội dung sửa đổi, bổ sung trong Quy định 37 đều là những vấn đề cốt lõi, quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa’”, Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Đồng thời, gắn với những nội dung mới trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành trong thời gian qua.

Có thể thấy hầu như các điều đều có bổ sung các điểm mới. So với Quy định số 47, Quy định số 37 vẫn giữ nguyên số điều. Về nội dung cơ bản kế thừa các quy định cũ, song có một số điều mới, cũng như thay đổi về thứ tự, bổ sung nội dung mới. Tuy nhiên có 2 điểm mới, là Điều 3 và Điều 13, mà Quy định 37 đề cập rất đáng quan tâm. Các điều còn lại đều được bổ sung cụ thể, chi tiết so với trước đây.

Điều 2 Quy định 37 là Điều 7 Quy định 47, được bổ sung một số nội dung cụ thể: “Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng”. Để thành một nội dung hoàn chỉnh là: “Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép”.

Điều 11 Quy định 37 là sự kết hợp của Điều 11 và Điều 12 Quy định 47 và có bổ sung thêm một số nội dung mới. Đặc biệt bổ sung nội dung: “Không được lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW “về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Theo đó, Kết luận 14 bổ sung các nội dung mới mà Đại hội XIII của Đảng đã thông qua, trong đó có việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ thực hiện “6 dám”, đó là “dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu”. Đây là một điểm nhấn quan trọng, tạo điều kiện cho cán bộ có những đổi mới, sáng tạo, đột phá, quyết liệt hành động vì lợi ích chung. Tuy nhiên Kết luận 14 cũng nêu rõ: “Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Bổ sung điều này trong Quy định 37 để đồng bộ và tương thích với Kết luận 14.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 6 Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ ngày 6 đến ngày 8/9/2021. (Ảnh minh họa: Kiemsat.vn) Toàn cảnh kỳ họp thứ 6 Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ ngày 6 đến ngày 8/9/2021. (Ảnh minh họa: Kiemsat.vn)

Quy định 37 bổ sung nội dung mới nghiêm cấm đảng viên “nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định” (Điều 9). Thời gian qua, có nhiều cán bộ, đảng viên đã nhập quốc tịch nước ngoài, vì vậy nếu trong nước vướng vào vấn đề gì đó họ sẽ “cao chạy, xa bay” đến nơi đã “dọn ổ” sẵn. Đã có nhiều trường hợp điển hình của việc này. Chẳng hạn, một đại biểu Quốc hội ở TPHCM bị báo chí nước ngoài phanh phui có hộ chiếu Cyprus (cùng vợ) vào tháng 12/2018 theo chương trình "Hộ chiếu vàng" (golden passport). Trước đó, một Đại biểu Quốc hội của Hà Nội đắc cử liên tục 3 khóa XII, XIII và XIV và đến ngày 15/7/2016, Hội đồng Bầu cử Quốc gia phát hiện đại biểu này có quốc tịch Malta! Hay một số cán bộ lãnh đạo khi bị phát hiện có sai phạm thì không ai có thể tìm thấy, vì họ đã chuẩn bị sẵn nơi để lẩn trốn. Do đó, bổ sung nội dung mới này để làm cơ sở cho công tác phòng, chống tham nhũng.

Để phù hợp với thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, Quy định 37 đã bổ sung 2 điều mới, Điều 3 và Điều 13.

Điều 3 quy định đảng viên không được: “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”. Bổ sung nội dung này để phù hợp và tương thích với các quy định của Đảng về xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Điều 13 quy định đảng viên không được: “Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”. Chúng ta đang hướng tới việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì vậy, dù Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng lãnh đạo về chủ trương, đường lối chứ không can thiệp vào các quy trình truy tố, xét xử, thi hành án… Độc lập tư pháp là nguyên tắc quan trọng của nhà nước pháp quyền, vì vậy, nếu hoạt động tư pháp bị can thiệp bởi cá nhân nào đó sẽ làm cho tính độc lập mất đi và mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền theo chủ trương của Đảng sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, quy định mới này chính là để ngăn ngừa từ xa những vi phạm này.

Ngoài ra, các điều còn lại cũng được sắp xếp, bổ sung thêm các nội dung gắn với công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Để quy định này được thực hiện nghiêm, Ban Chấp hành Trung ương đã giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện Quy định này và giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Với nhiều nội dung mới, phù hợp thực tiễn của công tác xây dựng Đảng hiện nay, Quy định 37 được kỳ vọng sẽ góp phần cho công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày càng hiệu quả hơn.

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo